Nếu nói học/đọc lịch sử là yêu nước, có thể hiểu đang nói về lịch sử trong sách giáo khoa. Nếu nói không học lịch sử thì không biết dân tộc, tổ tiên, anh hùng, v..v.. tức là đang nói đến những con người kiểu mẫu đến nỗi không biết đọc gì ngoài đọc sách giáo khoa, hoặc một xã hội kiểu mẫu đến nỗi, không có sách gì để đọc ngoài sách giáo khoa.
Như vậy ta có thể hiểu nhiệm vụ của giáo dục đồng nghĩa với đào tạo ra những người không đọc gì khác ngoài đọc sách giáo khoa? Hơn nữa, giáo dục đồng nghĩa với giáo dục để yêu nước?
Cũng có thể những người nói ra những điều này có một tư duy rất riêng về lịch sử. Đối với họ, lịch sử như một bài toán, 1 + 1 = 2, hoặc là những danh sách tập hợp ngày tháng và sự kiện xảy ra. Với tư duy này, có lẽ lịch sử chỉ có một cách hiểu, do đó cứ liệt kê ra hết những dữ kiện thì tự động người đọc sẽ yêu nước, thậm chí là yêu cả lịch sử.
Thực ra càng suy nghĩ nhiều về tư duy này, càng dễ nổ đầu, vì đây là tư duy rất khó và phức tạp, nói cách khác là không thể thấu hiểu hay giải thích được.
Theo mình đầu tiên nên trả lời câu hỏi: Lịch sử là gì?
Lịch sử theo chữ của Herodotus, historía, có nghĩa là truy vấn, tìm hiểu. Suốt chiều dài lịch sử, lý thuyết và triết học lịch sử có thể thay đổi đa dạng, nhưng tựu trung lịch sử vẫn là: 1. Xác định fact (sự thật lịch sử); 2. Diễn dịch, giải thích.
Như vậy lịch sử không chỉ là những dữ kiện, những sự thật, mà còn là cách diễn dịch dựa trên những dữ kiện đó. Để diễn dịch thì phải truy vấn, tìm hiểu, nghi ngờ.
Nhưng theo tư duy học lịch sử để yêu nước và để biết tổ tiên, thì lịch sử chỉ có một cách diễn dịch. Điều này là không đúng.
Thử xem xét một ví dụ: nguồn cơn cuộc Thập Tự Chinh thứ I.
Để chiếm lại Jerusalem từ tay Hồi giáo, Đức Giáo Hoàng kêu gọi Thánh chiến. Đây là thế kỷ thứ 11, khi Hồi giáo đã chiếm vùng Levant (Palestine, Syria) và cả Tiểu Á. Kết quả là quân Thập Tự từ các nước Châu Âu đổ về phía đông và chiếm lại Jerusalem.
Do vậy, người ta hiểu rằng Đức Giáo Hoàng là nguồn cơn cuộc Thập Tự Chinh thứ I. Nhưng cùng những dữ kiện đó, nếu đọc từ phía một nước cùng thuộc Ki-tô giáo, nhưng khác với Công giáo ở Châu Âu, đó là Byzantine, thì ta thấy cuộc Thập Tự Chinh thứ I chính là kết quả của một kế hoạch truyền thông chính trị dài hơi của hoàng đế Byzantine. Có thể hiểu, cuộc Thập Tự Chinh thứ I không xảy ra nếu Byzantine ở phương đông không chủ động kêu gọi trợ giúp từ phương tây.
Một ví dụ khác: nguồn cơn cuộc Nội chiến Mỹ.
Ta biết những bang phía nam nước Mỹ thành lập Confederacy chống lại Union của những bang miền bắc. Quan điểm theo miền bắc cho rằng đây là hành động “phản loạn”, chống lại liên bang của một số thành phần phản bội, dựa trên vấn đề nô lệ. Còn quan điểm ủng hộ miền nam cho rằng đây là một cuộc “nội chiến” mà các bang miền nam đã liên hợp với nhau, mục đích chính là chống lại chính quyền liên bang vì áp đặt và chen sâu vào quyền hành của mỗi bang (được Hiến pháp bảo vệ).
Người ta đã chứng minh khi cuộc chiến diễn ra, vấn đề tranh cãi chính không phải là nô lệ. Nhưng về sau, vấn đề nô lệ đã trở thành diễn giải chính, như một chính nghĩa mới. Đó là những tranh cãi về nguồn cơn Nội chiến Mỹ. Và cuộc tranh luận vẫn tiếp diễn.
Như vậy, cùng dữ kiện và fact, người đọc lịch sử có thể nhận được nhiều cách diễn dịch khác nhau.
Do đó, một khi bày ra fact, người đọc có thể yêu nước, yêu tổ tiên, hoặc ngược lại. Đó là vì lịch sử có thể diễn dịch nhiều cách. Ở đây chúng ta đang xem như những fact này là sự thật, là chính xác (không phải kiểu những thước phim vẫy cờ trên hầm, hay xe tăng tông đổ cổng ở đâu đó).
Nhưng ngay cả khi fact là chính xác, lịch sử cũng không dễ đoán. Vào thế kỷ 19, tinh thần lịch sử thời đó tôn sùng sự thật lịch sử. Fact là tối thượng. Giáo sư Acton của Anh đã từng cho rằng người ta có thể tìm ra lịch sử tối thượng (ultimate history). Chỉ cần fact là sẽ có cách diễn dịch đúng. Tiền bối của Acton là Dollinger người Đức còn đi xa hơn thế. Ông nói sẽ không bao giờ viết sử khi không có fact hoàn hảo. Nhưng làm gì có fact hoàn hảo, nên suốt cuộc đời học giả của Dollinger, ông ta không hề viết một tác phẩm nào.
Theo Carr, tinh thần tôn sùng fact của thế kỷ 19 nay đã lỗi thời. Vì không phải cứ có fact là ổn, nếu ta hiểu rằng fact cũng do chính sử gia lựa chọn thôi. Tại sao fact này là sự thật lịch sử, còn fact khác thì không?
Hơn nữa, sử gia cũng không có trách nhiệm cho sự chính xác của fact. Ngày nay, những ngành hỗ trợ như khảo cổ học, xác định tuổi bằng carbon, v..v.. đủ để thay đổi những fact lỗi thời.
Theo cách nghĩ đó, fact không nên được đề cao nữa, mà điều quan trọng của lịch sử là cách sử gia diễn dịch.
E. H. Carr đã kết luận rất xác đáng rằng nhiệm vụ của sử gia không phải là để yêu quá khứ, mà để làm chủ và hiểu rõ quá khứ, biến nó thành chìa khóa để hiểu hiện tại.
Nhưng ở một nơi nào đó, người ta vẫn tư duy học sử là để yêu quá khứ, để yêu nước. Để hiểu được tư duy này có lẽ cần phải dùng historía truy vấn và diễn giải thêm rất nhiều.
LKV
18-5-22