Chuyến Bay Tháng Ba

Chuyến Bay Tháng Ba, tập truyện ngắn, Phan Book và Nxb Đà Nẵng, tháng 4 năm 2021, hình HND

I. Lời giới thiệu của PhanBook, in đầu sách

Cùng bạn đọc,

Có thể sẽ không phải nói gì nhiều về sự liên kết giữa những truyện ngắn với dung lượng vừa phải trong tập sách này. Một tập truyện mà ngay từ dòng đầu cho đến dòng cuối, tác giả đã không muốn giấu sợi dây ý tưởng có bề tham vọng: viết về một cuộc chiến ở thì tiếp diễn trong não trạng con người.

Mỗi truyện như một đồng hiện của những tiêu bản chiến tranh. Tiêu bản êm đềm, tiêu bản khốc liệt, tiêu bản ám ảnh, tiêu bản mê dụ. Cuốn sách này như thể là một bảo tàng cá nhân được dựng lên để khảo sát quá khứ, để xuyên thấu những tình huống phân tranh tồn đọng và truy vấn vì sao chúng có thể tồn đọng, không ngừng tái chiếm thực tại (dẫu trên thực tế, bằng những uyển ngữ, thể gọi đó là những vết thương đã liền da!).

Thành phố biến màu, ngã ba biên giới bụi bặm, văn khố với những tài liệu phủ bụi, tung tích những trận đánh, những cựu binh mắc kẹt trong cuộc lần tìm ký ức, bức ảnh về chuyến bay định mệnh… là các dấu chỉ tản mát mà hợp nhất để quá khứ được tương thông theo cách của văn chương. Không với tham vọng phát lộ rõ thêm về cuộc chiến hôm qua (các sử gia chân chính sẽ làm điều này), người viết biết tiết chế và tránh diễn giải về những lằn ranh hư ảo; xác lập một lối viết gọn gàng, tỉnh táo, ấn tượng với các lớp chuyển bối cảnh khéo léo.

Ở đó, cuộc sống tinh thần đa chiều, phức hợp của thực tại hậu chiến được hiện ra một cách tự nhiên.

Các tiêu bản chiến tranh đã có lý do để được trưng bày trong tập truyện khác biệt của một cây bút mới giàu nội lực: Lê Khải Việt.

Trân trọng giới thiệu.

PHANBOOK

Hình: PhanBook

II. Bài điểm sách của Huỳnh Trọng Khang đã in trên báo Tuổi Trẻ ngày 10 tháng 5 năm 2021

Ở 12 truyện ngắn có dung lượng vừa phải trong Chuyến bay tháng ba, có một điều dễ nhận thấy đó chính là mối bận tâm của tác giả hay cũng có thể nói là những ám ảnh với lịch sử, những nhân vật dù mang nhân dạng nào cũng như đang rì rầm kể lại từ bờ bên kia thực tại.

Nguồn cảm hứng lịch sử tác động đến Lê Khải Việt không đến từ những trận đánh, những anh hùng lịch sử hay chân dung nổi bật. Tác giả khơi lên từ những ngổn ngang của lịch sử, những khoảnh khắc lóe lên, những phận đời tình cờ dự phần vào biến thiên của thời đại.

Một trạm biến điện trông như ngôi miếu với ký hiệu EE lồng trong chữ C có lẽ thoáng qua trong trí nhớ người Sài Gòn, quen thuộc đấy nhưng vì sao lại thế, nó kể câu chuyện gì mà cứ lặng lẽ ở góc ngã tư. Những điều bình thường ấy thôi thúc trí tưởng tượng của tác giả, từ đó mà câu chuyện sinh ra với đầy đủ những khuôn mặt người đấu tranh để thoát ra từ lãng quên.

Cuối truyện ngắn có tên “Đấu tranh” này, tác giả đưa ra ba bức ảnh chụp lại trạm biến điện ở ngã tư qua các năm 2017, 2018, 2020 như “bằng chứng”. Lê Khải Việt có một trí tò mò với những bức ảnh cũ và những gì ẩn sau nó.

Như truyện ngắn “Năm anh em trên một chiếc xe” ra đời từ bức ảnh đôi vợ chồng với năm đứa trẻ chở nhau trên một chiếc xe máy chạy từ An Lộc hướng về Sài Gòn năm 1972 dưới ống kính của nhiếp ảnh gia Nick Ut. Gia đình vô danh, không ai trên thế gian này biết gì về họ ngoài một khoảnh khắc bị đóng khung vào vĩnh viễn, một liên văn bản đến bài hát nổi tiếng như đối ảnh.

Hay bức ảnh nổi tiếng ở nhà số 22 Gia Long do Hubert van Es (AP) chụp vào 29 tháng 4 năm 1975 là cảm hứng để tác giả viết thành truyện “Người đàn ông trung niên”.

Cặp vợ chồng với 5 đứa trẻ chiếc Honda SS90 (Hình Nick Ut/AP)

Tương tự, ở cuối truyện ngắn “Chuyến bay tháng ba” tác giả trình bày mình phóng tác dựa theo lời kể của nữ tiếp viên Jan Wollett về một chuyến bay vào tháng Ba năm 1975.

Các nhân vật thuộc thì quá khứ, chỗ của họ là kho lưu trữ (truyện “Ba điều ước”), thư viện (truyện “Một nghiên cứu”) với những tài liệu mịt mờ, là những khoảng trống vô lý (truyện “Truyện số) hoặc nấm mồ chung (truyện “Căn phòng”). Cũng đôi khi quá khứ không chỉ là những chi tiết mà chỉ còn một trạng thái man mác vẩn vơ của hoài niệm như các truyện “Ăn tối”, “Bốn mùa của vùng sa mạc”.

Những câu chuyện của họ, nói như tác giả, “cũng chỉ được xem là tư liệu thứ cấp” nhưng sau cùng lịch sử là gì nếu không là “những tư liệu thứ cấp của những kẻ thích kể chuyện và háo danh” (truyện “Tháng Ba ở ngã ba mà chúng ta”).

Đầu tay nhưng không non tay, đọc những truyện ngắn lấy cảm hứng từ lịch sử này có thể thấy sự chắt lọc của tác giả qua quá trình đọc và tìm hiểu lịch sử Việt Nam hiện đại. Thời gian càng lùi xa, quá khứ càng nhiều khoảng trống và ở đó trí tưởng tượng sinh ra để lấp đầy. Tác giả Lê Khải Việt cho thấy cả những chi tiết nhỏ nhặt nhất cũng ẩn chứa trong mình một câu chuyện đợi chờ được kể.

Huỳnh Trọng Khang

%d bloggers like this: