Quảng trường Ngôi sao của Modiano và Antigone của Sophocles

Dịp cuối năm, ngày cuối tháng, vừa đọc hết La Place de l’Etoile. Tiểu thuyết đầu tay của Modiano là cái gì đó khác hoàn toàn với Ở quán cà phê của tuổi trẻ lạc lối. Nếu Ở quán cà phê người ta thấy tuổi trẻ lạc lối hoặc lạc lõng theo nghĩa bị nỗi cô đơn cô lập vào một không gian giữa quán cà phê và những ngõ ngách của thành phố, thì Quảng trường Ngôi sao là một thế giới đa diện, sôi động, với những cước chú văn hóa và lịch sử ngồn ngộn tuôn trào như khẩn trương chứng minh điều gì. Xét trên góc nhìn đó, Quảng trường Ngôi sao mới thực sự là thế giới của tuổi trẻ lạc lối. Ở đó một Modiano tuổi đôi mươi viết như muốn trả thù và sống vội.

Điều làm mình băn khoăn là tại sao một người có thể gọi là well-read ở mức độ đó, lại đợi đến lúc đọc đủ nhiều đến thế mới đặt bút viết? Một nhà văn phải đọc nhiều đến đâu, để có thể viết? Hoặc cứ để bản năng dẫn dắt ngòi bút?

Đôi khi, đọc quá nhiều khiến người viết sợ hãi nhiều hơn. Nhưng Modiano khi viết La Place de l’Etoile chắc chắn là không sợ trời đất gì. Cũng như Philip Roth khi viết Portnoy’s Complaint. Giọng điệu điên cuồng của hai cuốn này có nói lên gì đó về truyền thống Do Thái và tinh thần thời đại, vào đúng những năm cuối thập niên 1960 đó không? Chắc chắn mình không đủ khả năng trả lời.

Một Ở quán cà phê của tuổi trẻ lạc lối vẫn có thể được viết ra khi Modiano chỉ hai mươi tuổi. Một Quảng trường Ngôi sao vẫn có thể là tác phẩm của một lão già nhăn nhó. Như vậy thì làm gì có quy luật. Thế giới sẽ đơn giản hơn nhiều.

~~~

Những ngày cuối năm mình cũng thử đọc trường hợp Antigone đang thời thượng. Thắc mắc đầu tiên là tại sao lại đi quá sâu như thế? Antigone là ai, khi lịch sử cổ đại Hy – La vẫn còn là thứ gì đó quá xa lạ, ngay cả với giới đọc sách? Có bao nhiêu người thực sự đọc Homer? Hay kế tiếp là Plato, Aristotle? Nếu đọc kịch, bao nhiêu người sẽ đọc Shakespeare thay vì Sophocles, một người Hy Lạp sống trước cả Socrates? Dù sao, mình không phải là người thuộc giới học thuật nên chắc chắn không thể hiểu được.

Góc nhìn về Antigone mình thích nhất là đặt mâu thuẫn Antigone vs Creon đại diện cho mâu thuẫn giữa đức tin và lý trí, hay giữa Thượng Đế và Con Người. Đó phải chăng là mâu thuẫn ngàn năm của triết học? Sẽ bàn tiếp bên dưới.

Quan trọng hơn, để cảm nhận rõ hơn sự vĩ đại của bi kịch, có lẽ người đọc nên đặt vị thế của Antigone và Creon ngang nhau. Cả hai đều có những lý do hợp tình, hợp lý. Chỉ có như vậy bi kịch mới là bi kịch. Nếu ngay từ đầu, người đọc tự hạ Creon xuống như một kẻ ác, một vai phản diện, còn nâng Antigone lên như một vị thánh, thì rất tiếc mâu thuẫn đã không còn nữa, khán giả có thể tự kết luận luôn, và tất nhiên sẽ không còn bi kịch.

Khi nói về góc nhìn luật pháp xét từ tình huống Antigone, có thể đó là một thảo luận hay ho cho triết học chính trị. Nhưng nói luật của thành Thebes hay luật tự nhiên phải thế này thế nọ, mình nghĩ cách nhìn này hơi khiên cưỡng. Cũng như khi nhìn Antigone dưới lý thuyết giới, hay bất tuân dân sự, thì.. thôi không nói đâu (biết gì đâu mà nói).

Vì trước tiên, cần nhớ rằng Sophocles viết bộ kịch về thành Thebes và vua Oedipus (vua trước Creon) vào thời mà chưa có bộ luật được viết xuống nào cả (trừ một bộ luật của Draco, mà chắc chắn cũng rất sơ sài). Luật của các thành hay thị quốc (polis) thời Hy Lạp cổ đại thì toàn kiểu phong tục. Cho nên nói Creon làm trái luật Thebes khi không cho chôn xác kẻ phản bội là hơi võ đoán. Vì làm gì có luật nào như vậy.

Lý do chính để tất cả các suy luận về pháp luật xung quanh Antigone là vô ích, đó là vì Thebes của Sophocles cũng chỉ là một Thebes thần thoại. Thành Thebes là có thật, nhưng tất cả những chi tiết xoay quanh đó là tưởng tượng. Từ sau Homer và Hesiod, các tác giả Hy Lạp tiếp tục viết nhiều về 2 đề tài: Thành Troy và Thành Thebes. Tất nhiên cả hai đều là chuyện thần thoại.

Trở lại với mâu thuẫn Antigone vs Creon. Đó không đơn giản là va chạm giữa thiện và ác, tốt và xấu. Chính Hegel cũng đã nói rằng Creon không sai. Antigone và Creon là đại diện cho hai hệ luân lý ngang nhau và đối nghịch nhau.

Antigone đại diện cho tình yêu gia đình, tính hướng nội. Còn Creon đại diện cho tình ái quốc, bảo vệ thẩm quyền của thị quốc. Creon đã phân tích tiêu chuẩn của ông về thế nào là tốt hay xấu. Theo ông, giá trị của một người tốt cũng là giá trị của thành Thebes. Một kẻ phản bội thì phải bị trừng phạt.

Khi nói Antigone chính là hiện thân của gia đình, thì đồng thời nàng cũng đại diện cho tôn giáo, cho đức tin. Quan điểm mà mình đọc được lý luận rằng gia đình được kết nối và dán lại với nhau bằng đức tin, bằng thờ cúng tổ tiên, thánh thần. Đó là dựa trên nghiên cứu về đời sống Hy Lạp cổ đại chứ không hẳn là đoán mò.

Như vậy, có thể nói Creon đại diện cho lý trí, còn Antigone đại diện cho đức tin, hay nói cách khách là Thượng Đế – thánh thần.

Đến đây, người ta có thể thắc mắc, tại sao Sophocles có thể ám chỉ một mâu thuẫn giữa lý trí và đức tin? Nên nhớ Sophocles sống cùng thời với những triết gia biện giả (sophist). Giới sophist lúc đó (Protagoras) đang đặt lý trí cao hơn đức tin, tức đặt con người làm trung tâm, đề cao con người. Như vậy, rất có thể Sophocles dùng bi kịch của những cái chết trong vở Antigone để phản kháng, phản biện lại tinh thần của thời đại. Có thể ông muốn nói, đôi khi chúng ta nên lắng nghe đức tin, tự nhiên, thay vì cứ khư khư tin vào lý trí, luật lệ do con người tạo ra. Đó là góc nhìn mình nghĩ là phù hợp để diễn giải. Nhưng nó cũng không có gì quan trọng.

LKV

31/12/21

Published by LKV

Reader. Slacker.

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

%d bloggers like this: