- Thang Máy Sài Gòn – Thuận
Một cô gái làm một cuộc điều tra về quá khứ của người mẹ vừa tử nạn trong thang máy. Người dẫn chuyện lúc xưng là “em” rồi lại xưng là “cô”, dẫn dắt người đọc xoay vòng giữa Paris, Hà Nội, và Sài Gòn.
Tác giả bắt đầu câu chuyện với một chút trinh thám. Rồi một ít lịch sử, ít văn hóa, khá nhiều Paris, quảng trường Ngôi Sao, vân vân. Tốc độ đọc nhanh, có lúc lôi cuốn. Nhưng sau đó mạch đọc chậm dần, do tình tiết và nhân vật rời xa độc giả. Ở một vài vị trí nào đó, tác giả bỗng thấy có nhu cầu thắt, chốt nhanh lại một số thứ. Cuối cùng độc giả nhận ra Thuận chỉ muốn dạo chơi, tung tẩy, chứ chưa hẳn muốn điều tra gì cả.
Cái sườn về lai lịch của người mẹ, từ Sài Gòn ngược ra Hà Nội, về Hỏa Lò của những năm hậu Điện Biên Phủ, rồi cải cách công thương nghiệp (trước cải cách ruộng đất), sang thực tập ở Paris, rồi về Hà Nội, v..v.. thì cũng chỉ là một hậu cảnh để tác giả trưng bày những lát cắt, những góc nhìn về đủ thứ vấn đề, như giới nhà giàu mới hậu bao cấp, lập trường của người thực tập xã hội chủ nghĩa, những bà đầm sồn sồn trung niên nghĩ gì, rồi giới “ễnh ương trở thành tê giác” khi sang Việt Nam, và rất nhiều thứ hay ho khác. Dù sao, Thuận viết chắc, bỡn cợt, sôi động, không chút nhàm chán.
Những đoạn viết đặc sắc nhất: trong thang máy; đoạn với Kai trên sàn gỗ; phần của chú Điền “tuột xích”.

- Phật Trong Hẻm Nhỏ – Huỳnh Trọng Khang
Lần này Huỳnh Trọng Khang không còn lấy bối cảnh thời chiến. Tập truyện ngắn có nhiều truyện hơi dài. Nhưng thật ra, với cách viết của tác giả (ít nhất trong tập này), ngắn hay dài chưa hẳn tạo ra khác biệt gì quá lớn.
Ngoài truyện ngắn Phật trong hẻm nhỏ, truyện Mép rìa dụng công và tạo ấn tượng nhiều nhất. Khi nói dụng công có nghĩa người viết đang cố gắng thay đổi, thoát ra thói quen và văn phong thông thường.
Truyện Mép rìa kể về đời sống của những người (chủ yếu là trẻ) Việt kiều sinh sống quanh vùng Biển Hồ. Độ tập trung đậm đặc hơn, xúc cảm đẩy sâu hơn, tác giả cho thấy sự linh hoạt và một màu sắc khác. Không còn lệ thuộc quá nhiều vào kỹ thuật mà thực sự nhập vào câu chuyện, tác giả gây ấn tượng với mạch kể hết sức tự nhiên. Rõ ràng, điều này cho thấy sự đầu tư tìm hiểu về đời sống của những nhân vật nơi cái xứ được lấy bối cảnh.
Với Huỳnh Trọng Khang, người đọc luôn sẵn sàng cho những bồng bột theo kiểu gây hấn. Ví dụ rõ nhất là truyện đầu tiên và truyện cuối cùng. Tuy nhiên, cũng phải đến lúc ngòi bút biết kết nối với độc giả theo một cách khác, như biết yêu những nhân vật của mình hơn, từ một góc nhìn khác.
LKV
24-11-21