tiểu thuyết [x] – chương [xlii]

Một chương trong tiểu thuyết [x] chưa hoàn tất:

[ Huế ]

Một thời để mất, một thời để chết. Một mùa xuân nơi thần chết chơi trốn tìm trên những cổng thành. Nơi đây là tháng thứ hai trong năm, nơi mùa xuân buốt lạnh và xám xịt thuốc súng của xứ sở nhiệt đới đang gọi tên thần chết. Đó cũng là tiếng gọi trong ánh chớp lửa đạn. Tiếng gọi lanh lảnh và the thé của một sinh vật nào đó. Chính giữa đêm đen. Tiếng gọi xuyên màn đêm đen. Thật ra, nếu cố gắng nghe kỹ, người ta biết đó là tiếng gọi mà ai cũng hiểu, nhưng không tiếng súng nào át được. Đó là một thời để chết, giữa một vùng đất xa lạ.

Jim nghĩ như thế về Huế, về trận đánh đang diễn ra ngoài kia. Vài phút trước, người bạn thân Frank của anh đã gục ngã trên tháp canh, bên bệ súng máy. Một phát B-40 đã phá tung tất cả, và anh thấy ánh chớp sáng lóa lên giữa đêm đen, như một tiếng gọi mà ai cũng hiểu. Đó là tiếng của một sinh vật gọi thần chết. Không ai tin thần chết có thể chết! Nhưng trên tay anh vào lúc này, Frank đã trút hơi cuối cùng. Máu của Frank chảy len lỏi trong kẽ tay Jim. Jim không nghĩ đây là mùa xuân. Vì mùa xuân không có đêm đen. Và mùa xuân ở xứ sở này là lúc mà mọi người sum vầy, hạnh phúc bên nhau; người ta mừng tuổi nhau bằng những phong bao màu đỏ; và những em bé chạy nhảy, cười đùa trong bộ áo mới màu đỏ. Những em bé da vàng trong áo màu đỏ, như máu của Frank. Đáng ra chúng chơi trốn tìm với nhau trong khu vườn bình yên của mùa xuân. Thay vào đó, những em bé đang chơi trốn tìm với thần chết.

Frank đã chốt ổ súng máy trước tòa nhà Bộ chỉ huy Viện trợ Quân sự Mỹ (MACV). Một mình anh đã chặn đứng đợt xung kích đầu tiên của toán đặc công NVA. Tòa nhà MACV là một khu phức hợp có hàng rào kẽm gai bao bọc, nằm trên Quốc lộ 1 từ hướng Phú Bài chạy thẳng về cầu Tràng Tiền, giao với đường Trần Cao Vân. Chính giữa tòa nhà là khuôn viên, bãi đậu xe, và một sân tennis. 

Trong đêm hôm đó, Jim biết cả khu Thành Nội tả ngạn và khu tam giác hữu ngạn sông Hương đều bị tấn công tràn ngập. Khi đêm đen tan dần, bộ đội Bắc Việt đã làm chủ hoàn toàn thành phố. Đó là một cuộc tấn công thần tốc, được sắp xếp chuẩn mực. Hai ốc đảo duy nhất còn kháng cự là đồn Mang Cá ở góc Bắc Thành Nội và tòa nhà MACV phía Nam sông Hương mà Jim đang chống giữ.

Jim lảo đảo giữa màn vôi bụi sau những tiếng nổ rung chuyển. Viên sĩ quan có quân hàm cao nhất ở MACV vào lúc đó là một đại tá. Ông này nghiễm nhiên trở thành chỉ huy của lực lượng hỗn hợp ở MACV. Liên lạc được kết nối với Phú Bài, nơi Task Force X-Ray trú đóng. Task Force X-Ray vừa được thành lập, có nhiệm vụ chỉ huy thủy quân lục chiến chung quanh vùng Thừa Thiên – Quảng Nam. Đứng đầu lực lượng chuẩn bị tung quân ứng cứu Huế này, đương nhiên là một vị tướng. Và tên của kẻ cứu tinh/tội đồ của Huế này không gì khác hơn là LaHue.

“VC chỉ có vài trung đội. Các anh phải bình tĩnh. Kỵ binh đang tới.” Giọng nói ồm oàm bên kia đầu dây không khiến Jim bất mãn. Thật ra đúng lúc ấy đã có ai biết gì về tình hình thực sự của Huế đâu. Với một bộ máy vừa chào đời như Task Force X-Ray, thì chuyện điên đảo gì cũng có thể xảy ra.

Jim từng làm cố vấn ở Sư đoàn 1 Bộ binh ARVN, từng sát cánh với Hắc Báo, đại đội trinh sát của sư đoàn nhiều tháng liền. Vì thế, anh thuộc loại thiện chiến nhất trong số lính Mỹ đang có mặt trong tòa nhà MACV bị vây khốn lúc đó. Jim chỉ huy khoảng 10 Thủy quân lục chiến đủ cấp bậc phản công đánh bật những đặc công NVA còn sống sót ra xa tòa nhà MACV.

Nhiều đại đội đặc công của 2 tiểu đoàn được phân công đánh MACV đã không thể đến mục tiêu trong đêm đó vì lạc đường. Đó là lý do nơi đây sẽ là một trong vài ba ốc đảo còn đứng vững trong đêm đầu tiên của cuộc tổng tấn công vũ bão và kinh hoàng của một kẻ địch đầy quyết tâm. Dù đã có ít nhiều kinh nghiệm chiến trận ở Việt Nam, đêm đó có lẽ là bước ngoặt khiến Jim hoàn toàn bị nuốt chửng trong Cuộc chiến. Mãi sau này, Jim mới nhận ra tất cả những gì xảy ra với anh sau đó đều là hệ lụy của một cuộc chiến ủy nhiệm. Như giờ đây, tương lai của một xứ sở và những định nghĩa giàu xổi của nó đã ủy nhiệm cho anh một vai trò. Vai trò đó sẽ thay đổi Jim và hóa thân Jim thành cái gì, ngay cả những sử gia dối trá nhất cũng không thể giải thích nổi.

–*–

Những thanh âm chát chúa, như những mũi khoan va vào lớp tường đá của Ty Ngân Khố Thừa Thiên, bể tung, hóa lỏng rồi chảy rộng cả bốn phía. Đó là tiếng súng bắn rát vọng ra từ phía bên kia máy điện đàm PRC 25. Người lính bên kia đầu dây vẫn cố nói át tiếng súng. Jim nghe chữ được chữ mất.

“Đây là Sư đoàn Không kỵ. Tôi biết các anh đang giữa chiến trận. Tôi cũng vậy. Sư đoàn Không kỵ chúng tôi thực ra là bộ binh. Nếu anh là Thủy quân lục chiến, có lẽ anh hiểu. Đây là Việt Nam, và tôi đến đây để chiến đấu cho những đứa bé. Tình hình đã nguy cấp lắm. Toàn tiểu đoàn lọt trọn vào ổ phục kích ở phía Tây Bắc Huế. Hoàn toàn không có gì để nấp. Chúng tôi đang nằm giữa đồng lúa. Chính ở đây hỏa lực khủng khiếp của hàng trăm hàng ngàn súng cá nhân đã làm tôi nghĩ về những đứa bé. Tôi đã nghĩ mình chiến đấu vì những đứa bé. Đạn vẫn bay sát trên đầu tôi, muốn cắn lấy máy điện đàm trên lưng tôi. Họ đang cố giết tôi, cũng như tôi muốn cứu lấy những đứa bé. Người bạn thân đã la lên cảnh báo tôi về cái máy điện đàm kềnh càng đang làm nam châm hút đạn AK. Nhưng tôi không nghĩ hôm nay tôi tới số. Tôi vẫn đeo nó. Vì dù sao đi nữa, nếu tôi bỏ nó ra thì làm sao tôi có thể cho anh biết rằng chúng tôi là lính bộ binh của Sư đoàn Không kỵ.”

Jim ngắt lời anh ta: “Tại sao anh lại bắt được tần số của chúng tôi? Hiện Thủy quân lục chiến đến tiếp viện cho tòa nhà MACV ngày càng đông. Nhưng vẫn chưa có lính Mỹ vào được Thành Nội. Tại sao anh không gọi về bộ chỉ huy sư đoàn ở trại Evans?”

Tay lính Không kỵ không trả lời mà tiếp tục nói: “Chúng tôi đã nằm đây 2 tiếng, như cây kim bị bít chặt trên bản đồ hành quân. Tiểu đoàn với 4 đại đội chúng tôi đã bị bít chặt, không ngóc đầu lên được. Trên đầu tôi là bầu trời xám vùng bắc Thừa Thiên, trước mắt là thôn La Chữ lúp xúp sau hàng cây, phía dưới tôi là ruộng lúa, nhớp nhúa, ẩm và lạnh. Hỏa lực của đối phương thật khủng khiếp. Phải có đến hàng trăm tay súng sau hàng cây kia. Người ta nói chúng tôi vô tình đi lạc vào nơi đặt bộ chỉ huy chính toàn mặt trận Huế. Nhưng đó là sau này, khi tôi đã chết và được biết La Chữ chính là nơi đồn trú hơn một trung đoàn quân Bắc Việt. Tướng Đặng Kinh đã đóng và chỉ huy ở đó.”

“Tôi không tin đây là mùa xuân. Mùa xuân thì làm sao có thể biến con người thành những chiến binh. Đó là thời gian để sống, chứ không phải đánh nhau. Không thể cái gì cũng trở thành chiến binh. Sự ví von đó là của những kẻ nhược tiểu, những kẻ chỉ biết chiến đấu, đạp lên nhau để đạt được một cái gì đó. Tôi vẫn nằm đây, và thật may chưa ai đạp lên người tôi. Rất có thể tôi không đủ tiêu chuẩn là chiến binh. Nhưng dù sao đi nữa tiểu đoàn vẫn phải tiến lên. Sĩ quan chỉ huy đã nói rất rõ. VC chưa bao giờ dám đánh đại đơn vị. Kẻ địch chỉ là du kích lẻ tẻ. Lính Không kỵ hình đầu ngựa phải tiến lên, và giải tỏa Huế trong ngày hôm nay.”

“Anh biết đó, chỉ huy của chúng tôi đã ra quân lệnh. Nhưng tôi chỉ là một người lính truyền tin. Trung úy trung đội trưởng của tôi đã chết. Anh bị trúng 3 phát đạn ở 3 nơi trên cơ thể. 3 vết thương hoàn toàn tách biệt nhau, như 3 trận chiến đang diễn ra ở Huế: Thành Nội với ARVN, khu tam giác hữu ngạn với Thủy quân lục chiến, và La Chữ với lính bộ binh Không kỵ. Đó là những chi tiết sau này tôi mới biết. Hiện tại, tôi là người cầm máy liên lạc với đại đội. Đó là cái may của tôi, và tôi muốn nói những gì tôi thấy với anh.”

Jim nói vài câu trấn an người lính. Tiếng súng bên kia đầu dây dịu xuống, như mái tóc cô gái Việt Nam chảy trên bờ vải áo dài. Jim nghĩ về cô gái tóc đen da vàng, cô gái mà anh chợt nhớ ra. Anh thực sự tò mò muốn được chiêm ngưỡng dung nhan của cô. Cả đêm hôm qua Jim không ngủ để đọc một cuốn sổ tay màu đỏ, bìa nhem nhuốc vì thấm nước hoặc máu. Cuốn sổ ai đó đã vất trên dãy bàn ở tầng một tòa nhà MACV, nơi bọn lính hay ăn nhậu và chơi bài.

“Này anh bạn, hãy bình tĩnh. Tôi nhắc lại anh đã gọi đến tòa nhà MACV ở Huế. Việc anh cần làm bây giờ là cúp máy, và gọi cho đại đội. Nếu không được, anh hãy gọi lên bộ chỉ huy tiểu đoàn, hoặc là trại Evans.” Jim lặp lại.

Anh lính Không kỵ im lặng, rồi trả lời: “Tôi hiểu. Tôi đã bình tĩnh hơn, cám ơn anh.”

“Súng đã bớt. Trong khi chờ hạ hỏa, anh cứ nói chuyện với tôi. Từ giờ hãy gọi anh là Ngựa Bay.” Jim nói.

Ngựa Bay OK, giọng điệu có vẻ chậm rãi hơn: “Hẳn rồi thưa anh. Tôi, Ngựa Bay, thuộc Tiểu đoàn 2 Trung đoàn 12 của Sư đoàn Không kỵ, tên hay gọi của Sư đoàn 1 Kỵ binh. Tiểu đoàn xuất phát vào mờ sáng. Bốn đại đội tiến theo hình kim cương. 3 đi trước, 1 trừ bị phía sau. Tiểu đoàn trưởng ra lệnh đội hình tiến theo mạn phải của Quốc lộ 1 để tránh chạm địch. Mục tiêu của chúng tôi là Huế. Súng nổ ở thôn Quế Chữ, toàn đội hình đánh một vòng bọc phải né ổ kháng cự. Nhưng rõ ràng là chúng tôi bọc phải chưa đủ rộng. Hoặc là vùng địch kiểm soát quá lớn. Kết quả toàn tiểu đoàn 2 bị ghim chặt như một cây kim, trên đất ruộng phía Tây Bắc Huế. Trung úy Tom Dewey, trung đội trưởng của chúng tôi, đã gục chết cách tôi ba bộ, vì ba vết đạn như tôi đã kể. Tom là một cấp chỉ huy tốt. Anh ấy thấp người nhưng gương mặt điển trai và giọng nói trầm ấm. Một người đàn ông như thế, nếu không có chiến tranh, sẽ là một quản lý được yêu mến ở công sở, hoặc một nông dân tốt ở vùng bình nguyên Iowa, nơi mà mọi người đều mỉm cười thân thiện và trìu mến khi thấy anh. Tom của chúng tôi, hay Tom của các anh, nếu tòa nhà MACV có ai tên như thế, đều là những người đồng đội tốt. Và tôi chắc chắn Tom không thể được gọi là chiến binh, cho dù anh ấy can trường đến như thế nào trong chiến trận. Vì sao anh hiểu không? Mảnh đất này đã quá dư chiến binh. Tom không thể là chiến binh, thay vào đó anh chết như một người nông dân trên mảnh đất ruộng xa xăm nào đó ở Huế.”

Jim không ậm ừ làm ra vẻ lắng nghe, cũng không hẳn muốn im lặng hoàn toàn. Có lẽ anh muốn khích lệ người lính đang huyên thuyên nói không ngừng bên kia đầu dây. Tuy vậy, Jim đang chìm trong suy nghĩ riêng.

Cuốn sổ bìa đỏ khiến anh băn khoăn. Anh cố nhớ lại một số đoạn viết. Nhưng thật ra Jim đang mang cuốn sổ theo. Anh lấy ra và giở xem, bắt đầu đọc từ trang có vẻ như bắt đầu một chương mới, trong khi vẫn nghe anh lính Không kỵ nói. Dòng chữ lô nhô chạy trên trang giấy như bóng những người lính chạy xen lẫn với đoàn người tản cư ngoài kia. Jim căng mắt đọc để tìm một cô gái:

“Tôi đã gặp John Paul Vent như thế. Hắn ta thô lỗ từ trong máu. Tuy vậy, hắn ta là người tôi muốn gặp đã lâu. Lúc trận chiến diễn ra cách đây ba năm, hắn mang lon Trung Tá, cố vấn trưởng chiến trường. Giờ đây hắn mặc thường phục. Chúng tôi hay gọi người như hắn là bọn “dân sự” trong đám quân đội Mỹ.”

“John là đại diện một cơ quan hỗ trợ về xây dựng nông thôn ở Vùng 3 và thỉnh thoảng cả Vùng 4. Không hiểu sao tôi lại gặp hắn ở đây, buổi chiều hôm nay. Tại sao tôi lại ngồi kế bên hắn ở quầy bar của một nhà hàng góc đường ở Đà Nẵng thì tôi không nhớ rõ. Nhưng những gì hắn kể về cô gái Việt Nam đã thu hút tôi. Cô gái của hắn khác quá, khác với cô gái mà tôi biết.”

“Hắn kể lại chính trong trận Ấp Bắc, trận chiến không cân sức ở tỉnh Định Tường vùng đồng bằng sông Mê kông, là nơi hắn đã quen cô gái. Đó là một nữ nhà báo gốc Á Đông. Không hiểu sao hắn biết rất rõ đó là một cô gái gốc Việt. Có thể cô là con một nhà giàu ở miền vựa lúa miền Tây, và đã ra nước ngoài du học từ sớm. Cô nhà báo đại diện cho một hãng tin của Pháp. Nhưng hắn trả lời cô bằng tiếng Mỹ, và đương nhiên cô đặt câu hỏi cho hắn không bằng tiếng Việt mà bằng ngôn ngữ của một nhà báo.”

“Cô ấy tên là Jane, nhưng hắn thích gọi cô là Trang, cái tên duy nhất mà hắn nhớ, sau nhiều chuyến ra vào quán xá và nhà thổ ở các khu ăn theo lính Mỹ. Hôm đó, khi trận chiến kết thúc, hắn với tư cách là cố vấn trưởng của đoàn quân đứng ra trả lời báo chí.”

“Tôi nhớ đã nhìn thẳng vào mắt hắn như thế nào khi hắn kể về việc ấy. Tôi muốn nghe chính miệng hắn nói khi hắn nói dối. Lời kể méo mó của hắn đã được báo chí vồ chụp rồi phóng đại như những con sói đói. Thất bại thảm hại của một đội quân vượt trội về quân số, hỏa lực và vũ khí không làm hắn xấu hổ mà thừa nhận sai lầm. Thay vào đó, John đổ lỗi cho quân ARVN, những người trực tiếp chiến đấu và đổ máu.”

“Tuy nhiên, khác với dự đoán của tôi. John ỉu xỉu và mềm nhũn như một con mèo khi kể về cô gái ấy. Đứng trước đám đông hắn đã tuyên bố như những gì báo chí đưa tin. Nhưng sau đó hắn đã kể hết sự thật cho cô gái ấy nghe. Đó là một chiều hậu tuyến êm đềm sau trận Ấp Bắc. Đương nhiên là hắn và cô nhà báo đã ăn tối cùng nhau, trên một sân thượng khách sạn nhìn xuống quảng trường Lam Sơn, Sài Gòn, khi hắn sướt mướt khóc hối hận về sai lầm chiến thuật của mình. John Paul Vent, tay Trung Tá khét tiếng ngạo mạn và cá tính đã nhũn ra như thế, trong vòng tay của Trang. Trang không mặc một bộ áo váy pha nylon kệch cỡm như những cô đào quán bar mà hắn đã từng quen. Trang giờ đây đang ngồi điềm đạm và trang nhã trong bộ đồ Tây đơn giản, nhưng năng động của một nữ nhà báo. Tóc cô ngang vai, đen mượt, hoàn toàn mâu thuẫn và đối lập với bộ đầu kiểu Trần Lệ Xuân đang thịnh hành của cô gái Việt Nam thứ thiệt đang ngồi bàn phía sau.”

“Tôi bất chợt cảm thấy một sự ghê tởm, thay vì thương hại. John là đại diện của một sự ngạo mạn Mỹ. Một đại diện không thể hoàn hảo hơn. Khi nghe John kể về cái nhìn lãnh đạm của Trang, tôi không hình dung được. Tôi không thể thấy được trong đôi mắt ấy có những chiều vàng của Paris hay gam màu nóng của biển lửa Khâm Đức xứ Quảng, trận chiến mà tôi đã thoát chết. Và giờ đây sự ngạo mạn của kẻ mạnh đã nhường chỗ cho nước mắt quỵ lụy của một tên bại tướng.”

“Trang khẽ nắm tay của John. Bàn tay to lớn và sần sùi của một quân nhân. Bàn tay này đã giáng xuống mảnh đất Định Tường một vết thẹo. Đó không chỉ là vết thẹo của hôm nay và mai sau. Lịch sử đã có thêm một vết thẹo. Và người ta sẽ tiếp tục nói đến lịch sử như lấy lưỡi lê súng trường rạch sâu vào da thịt người. Nhưng thay vì con người, thì người ta để lại vết thẹo trên da thịt con heo. Bằng cách đó, không con người nào bị tổn hại cả. Ít nhất người ta nghĩ thế. Và lịch sử thì trở nên những gạch đầu dòng trong một tài liệu hướng dẫn tuyên truyền nào đó. Không hề gì, John kể. Vì đúng lúc ấy Trang đã áp bàn tay hắn vào má nàng. Dưới ánh đèn lờ mờ của chốn lãng mạn, John nhìn kỹ hơn mặt Trang. Nàng không khóc, nhưng giọt nước mắt lịch sử đã chảy nhẹ xuống ngón tay thô ráp của hắn từ khi nào.”

Tiếng hô “Incoming” theo sau là tiếng nổ của đạn súng cối sát ngoài tường rào. Kiếng cửa sổ thông gió của căn phòng Jim đang ngồi rơi loảng xoảng, khiến anh cất vội cuốn sổ vào túi áo khoác như sợ nó bị đau. Bên kia đầu dây, giọng Ngựa Bay vẫn đều đều.

–*–

Chernie là lý do Jim đang bồng súng chạy lúp xúp trong đội quân tái chiếm khu tam giác vào lúc này. Vị Trung tá dáng người to lớn, đứng cao gần bằng chiếc tăng Ontos 6 nòng. Mỗi nòng súng là một khẩu 106 ly không giật. Chiếc tăng lùn và thô kệch như một con quái thú nửa vời, với bộ sừng mọc ngược là 6 nòng súng chia đều hai bên tháp pháo. Cả tăng và người đứng bên nhau như một cặp George và Lenny, hướng xuống con đường Lê Lợi đầy đất cát và lưa thưa cỏ cây hai bên. Trong màu xám nhẹ của mưa phùn buổi sớm, Huế nhìn ảm đạm như những cánh đồng vùng Salinas của Steinbeck. Có khác chăng, hai bên vệ đường thấp thoáng đằng xa đó là những dãy phố và những tòa nhà ẩn chứa chết chóc tức thời. Đó là những mục tiêu quân sự mà Chernie phải giải quyết. Trú ẩn trong đó là hàng trăm tay súng, và họ đã dọn sẵn những cái bẫy hỏa lực để chào đón Thủy quân lục chiến.  

Mới ba hôm trước, khi toàn bộ thành phố Huế đã nằm trong tay VC được hơn 24 giờ, Task Force X-Ray vẫn quả quyết bên kia đầu dây rằng VC chỉ có vài trung đội. Viên trung tá chỉ huy nhóm lính Mỹ cố thủ trong MACV cười mỉa mai: “Một trong số đó đang kẹt trong kẽm gai của chúng tôi đây thưa các ông.” Giờ đây, khi tình hình dần rõ hơn, tướng LaHue đổ quân tiếp viện ào ạt cho Huế. Trong thực tế, các đơn vị chủ lực của Mỹ đang đóng xa thành phố. Phần lớn lực lượng Vùng 1 được đưa lên hỗ trợ Khe Sanh từ trước Tết. Số quân ít ỏi có sẵn để tăng viện cho Huế là tiểu đoàn 2 trung đoàn 5 Thủy quân lục chiến của Trung Tá Chernie “Lớn”.

Khi nhận lệnh từ Task Force X-Ray đến chỉ huy cuộc phản công chiếm lại khu tam giác, Chernie nhận ra rằng lính của ông đã bị trưng dụng từ trước. LaHue đã nướng quân của ông như nướng xúc xích ngày hè. Ba đại đội của tiểu đoàn 2 lần lượt bị ném vào chiến trận với những mục tiêu phi thực tế, bởi một kẻ đang ngồi phè phỡn ở hậu tuyến. Đại đội Golf đến tăng viện cho MACV đầu tiên, và họ nhận lệnh tiến lên cầu Tràng Tiền, vượt sông Hương để đánh thẳng vào Thành Nội theo cửa Thượng Tứ. Kết quả gần phân nửa trở thành thương vong bởi một ổ đại liên án ngữ ở đầu cầu bên kia. Giọng nói bên kia đầu dây từ bộ chỉ huy của Task Force X-Ray ở Phú Bài vẫn cương quyết. Thủy quân lục chiến chỉ có tiến lên. Hai đại đội tăng viện Echo và Hotel nhận nhiệm vụ giải tỏa khu tam giác, từ hướng cầu tàu ở gần Đập Đá, tiến theo đường Lê Lợi quét hết địch về hướng Tây. Đương nhiên họ vấp phải sự kháng cự mãnh liệt của quân phòng thủ và phải rút lui về chung quanh MACV. Một nỗ lực cấp tiểu đoàn, được chỉ huy hoàn toàn bởi các đại đội trưởng, với quân lệnh vô lý từ Phú Bài bởi những kẻ mộng du nào đó. Chernie thực sự tức giận.

Là một người đàn ông cao lớn, một quân nhân kiểu mẫu, với sự quyết tâm và tinh thần kick-ass sặc Mỹ, Chernie thực sự giận dữ. Nhưng ông ta không đánh mất trí khôn. Trước mắt Chernie là hơn mười dãy phố để chiếm lại. LaHue đã nói rõ: không có không quân hay pháo yểm, vì Huế là cố đô và cần bảo tồn. Ngoài ra, thời tiết xấu kéo dài cũng làm máy bay trở nên vô dụng. Một cuộc tiến công bộ binh mà không có yểm trợ của không – pháo? Thật ngu xuẩn. Nhưng Chernie “Lớn” không lấy đó làm lý do. Ngược lại, ông ta đã tìm ra chiến thuật để giải quyết trận chiến đô thị đầu tiên mà Mỹ tham gia từ sau Chiến tranh Triều Tiên. Rất đơn giản: để tiến lên trong nội đô, bộ binh phải mở đường xuyên qua các căn nhà, thay vì đi dọc các con phố. Cách giải tỏa ổ phòng thủ trong nhà tốt nhất đó là dùng súng lớn bắn vỡ kết cấu căn nhà, phóng hỏa, hoặc phun hơi độc.

Đó là lý do chiếc Ontos đang tiến lên, hướng nòng súng xuống con đường Lê Lợi mờ mịt và ủ dột. Phía trước nó một chút là chiếc tăng Patton làm mồi nhử để hút đạn. Khi địch quân khai hỏa từ trong các căn nhà hai bên đường, Chernie và các xạ thủ sẽ xác định vị trí và dùng Ontos bắn thẳng vào đó. Tiếng rống của con quái thú thật đáng sợ. Tiếp theo là những mảng tường, gạch đá, và một vài thứ nhìn như các bộ phận thân thể bắn tung lên. Tiếng súng phòng thủ dần im tiếng. Bộ binh Mỹ rời chỗ ẩn nấp và xung phong vào khuôn viên các tòa nhà. Chiến thuật không thể hoàn hảo hơn.

Jim ngồi lẫn trong đám Thủy quân lục chiến của đại đội Hotel. Phía trước mặt họ là tòa nhà vĩ đại, kiến trúc Pháp, với lớp hàng rào đá và các cửa sổ cao vút có vòm bán nguyệt. Từ các cửa sổ được viền lớp gỗ và hoa văn không quá chi tiết nhưng vừa đủ trang nhã này, những tay bắn tỉa đều đặn phóng ra những đường đạn chết chóc và buồn bã. Đó là tâm trạng Jim lúc này. Còn gì buồn hơn khi nhìn tòa kiến trúc đẹp đẽ này rụng rã dần sau từng phát đạn 106 ly. Thực sự vào lúc đó Jim không thấy tiếc thương cho một tòa nhà, mà anh thương cảm cho Huế. Huế là nơi anh có thể chết hôm nay, và tại sao lại không thương cảm cho nó, nếu đó là nơi người ta sẽ thu dọn xác của anh? Cũng có thể lát nữa đây, khi xung phong vào khuôn viên, xuyên qua cánh cửa sắt thanh mảnh nhưng cao lớn, anh sẽ nhận một phát đạn AK 47 vào đầu, hoặc một tràng súng máy SKS vào bụng, hay tệ hơn bị bắn rụng cánh tay vì một viên 5 chấm 56 đạn lạc từ họng súng M16 của đồng đội phía sau. Cũng tùy vào việc anh trúng đạn của bên nào, hướng ngã của Jim sẽ thay đổi theo. Jim đã nghĩ kỹ, chỉ có vớ phải loạt đạn SKS thì lực bắn mới đủ mạnh làm anh bật ngược ra phía sau. Lúc ấy, mũ sắt của anh sẽ lóc cóc lăn trên mặt đường lót đá nhấp nhô kiểu Âu Châu, và đầu anh khi ngã ra sẽ hướng về phía Đông. Đó là hướng tòa nhà MACV nơi mà người bạn thân Frank của anh đã đi theo Thần chết đêm hôm trước. Dù sao đi nữa, anh sẽ gục xuống gần bậc thềm của tòa nhà, ngay bên dưới dòng chữ Ty Ngân khố Thừa Thiên to tướng. Và đúng lúc ấy, nếu anh chưa chết, những tay súng VC đang nấp kín dưới chân hàng rào đá, phía trong khuôn viên, sẽ cho anh một vài phát ân huệ để tiễn đưa anh nhanh chóng về với Huế. Vì Huế sẽ chết đêm nay, hoặc đêm mai, lúc mà khu tam giác có thể sẽ được giải tỏa. Và đúng ngay vào thời khắc lạc quan nhất ấy, Huế sẽ chết. Anh biết chắc như thế! Cho dù anh chưa hiểu lắm về Huế. Những gì Jim biết về Huế là vài chục trang giấy trong cuốn sổ đỏ mà anh đã tranh thủ đọc vào đêm hôm qua, bên trong tòa nhà MACV. Cuốn sổ mang phù hiệu Tiểu đoàn Do thám Thủy quân lục chiến đã trở thành người bạn thân của anh.

Cuốn sổ hầu như được viết kín từ đầu đến cuối. Anh không rõ nó là tất cả chưa, hay có một bộ nhiều tập như thế. Dù sao đi nữa, cuốn sổ là những ghi chép rời rạc, về những nhân vật mà người viết gặp phải trong nhiều năm bôn ba khắp các chiến trường. Đôi khi các bài viết không đề ngày. Jim chỉ có thể đoán mốc thời gian qua các sự kiện. Một vài nơi ghi chép mới đè cả lên bài cũ, như thể đúng lúc ấy cuốn sổ dựng lên ba chiều không gian và người viết đang đối thoại với câu chuyện hiện tại bằng cách viết xuống, trên nền một hiện tại thứ ba. Hoặc có thể những gì đã viết trên trang giấy lúc ấy trở nên vô hình trong con mắt người viết, do nỗ lực vô tận nào đó để quên đi, quên sạch cái ký ức cụ thể ấy. Các lớp chữ cũ, mới đan xen rối bời, và đầy gai góc như các vòng quấn lằng nhằng kẽm gai phía trên lớp hàng rào Dinh tỉnh trưởng mà đội của Jim sắp xung phong vào.

Đã vài ngày trôi qua từ khi tiểu đoàn của Chernie xuất phát càn quét khu tam giác. Hôm đó, Jim nhớ đã nhìn vào căn phòng còn nguyên vẹn hiếm hoi của Đại học Huế. Băng qua đường Duy Tân là khu phức hợp MACV. Đối diện MACV là trường dòng Jeanne D’Arc và nhà thờ, sát bên là trường tiểu học Lê Lợi. Các tòa nhà này đều bị đạn bắn chi chít. Từ Đại học Huế có thể nhìn thẳng xuống hết con đường Lê Lợi. Bên trái con đường là các tòa nhà to lớn kiến trúc Pháp, cũng là các mục tiêu mà tiểu đoàn sẽ phải chiếm. Lần lượt là Ty Ngân khố, Bưu điện, Bệnh viện, và Nhà tù. Bên phải là sông Hương. Bên kia sông là Thành Nội, nơi một trận chiến khác đang diễn ra.

Trong căn phòng còn nguyên vẹn đó, Trung tá Chernie “Lớn” và 3 đại đội trưởng đang ngồi, như 3 sinh viên đang chăm chú nghe người thầy giảng bài. Họ đang thống nhất chiến thuật cho cuộc xuất kích ngày hôm sau. Sau lưng Chernie là tấm bảng đen lớn. Vì căn phòng đó là một lớp học trong trường Đại học Huế. Đó là căn phòng còn nguyên vẹn nhất của dãy nhà. Jim nghĩ thế. Cũng như Huế đã từng được nguyên vẹn.

Cuốn sổ đã kể một câu chuyện. Đó là một câu chuyện tình đẹp và buồn. Đẹp như những cái tên buồn thơ mộng của Huế: Nam Giao, Ngự Bình, Vĩ Dạ; đẹp như mùa thu của Huế dọc con đường Lê Lợi; hay mùa xuân với những xác pháo buồn bên hiên nhà của những ngõ nhỏ An Cựu. Và buồn như sự vẹn nguyên của một tà áo dài Đồng Khánh giờ tan trường. Tà áo ấy là kỷ niệm của một người lính Mỹ thuộc một binh chủng không xác định. Anh ta đã hẹn hò với một cô gái Huế, dịu dàng, đẹp, và thướt tha một cách buồn bã trong tà áo dài trôi đi trong gió nhẹ như một mái tóc. Mái tóc mà Jim đã và sẽ gặp nhiều hơn từ những câu chuyện trong cuốn sổ đỏ, hoặc từ những năm tháng sống sót của chính anh ở Việt Nam.

Quay lại lớp học, Chernie “Lớn” xếp lại bản đồ, mọi người cùng đứng lên. Bản đồ là thứ vô dụng nhất, Chernie nghĩ. Ai cũng biết tướng LaHue và những gã lố bịch ở bộ chỉ huy Task Force X-Ray đã dùng những bản đồ này như thế nào. Họ đã mở chúng ra, khoanh chỗ này chỗ kia. 3 vòng tròn xanh ở đồn Mang Cá, đài radar ở giữa khu tam giác, và khu MACV. 3 ốc đảo giữa biển đỏ quân giải phóng. LaHue đã vẽ nên những mũi tên vô hồn trên bản đồ. Từ MACV những mũi tên phóng ra về hướng Tây, về hướng Bắc. Những đội quân tiếp viện theo những mũi tên đó, để tiến lên, chiếm những mục tiêu mà những gã lập kế hoạch ngồi cách đó 10 dặm quyết định cho họ. Đương nhiên đó là những mục tiêu vô lý, phi thực tế. Hoàn toàn không có quân báo hay tí kiểm soát nào cả. Task Force X-Ray không hề biết sau ngày đầu chiến trận, gần 10 ngàn quân VC đã tràn ngập cả hai bờ sông Hương. Tất cả những gì họ biết, đó là những mũi tên trên bản đồ. Như thể những mũi tên là của thần Apollo màu nhiệm. Và nằm chết dưới các mũi tên đó, là những gương mặt dân thành Athen, Sparta trong đồng phục Thủy quân lục chiến Mỹ. Máu của họ đã nhuộm đỏ mũi tên, làm nhòa đi màu vàng của kim loại thần thánh. Nhưng có hề gì, máu của người Mỹ, hay người Hy Lạp, hay một vị thần nào đó, cũng chỉ là máu của những kẻ vô loại. Trong sương mù của chiến trường, nơi bụi bay khiến người ta không rõ là đất hay là khói của lựu đạn đánh dấu cho trực thăng, không ai thấy máu. Trong sự hỗn loạn thần thánh đó, máu trở thành màu của đất, về với đất, và hòa vào đất. Trên mặt đất bằng phẳng kia, hay zoom ngược ra, trên địa hình phẳng trải dài tới rặng núi nhấp nhô ở phía Tây, tất cả là màu nâu, màu của máu khô. Dải đất miền Trung, nơi có Huế, là một dải đất có màu nâu. Nếu bản đồ là loại địa hình, nó cũng sẽ có màu nâu của địa hình. Bản đồ là thứ vô dụng nhất. Nhìn vào nó, người ta chỉ thấy máu đã khô. Jim đã thoáng thấy ánh mắt của Chernie vào lúc đó. Ông ta vẫn tự tin và toát ra sức thu hút một cách mạnh mẽ của người lãnh đạo bẩm sinh. Nhưng Jim đã thoáng thấy sự ghê tởm trong ánh mắt của vị Trung tá tiểu đoàn trưởng, đối với tấm bản đồ.

Chính bản đồ là thứ Jim đang căng mắt nhìn vào, đúng lúc này. Đã nhiều ngày từ khi anh đứng bên phòng học với tấm bảng đen ở trường Đại học Huế. Giờ đây, đại đội mà anh tham gia đã tiến xuống phía Tây gần hết khu tam giác. Trận chiến ác liệt nhất diễn ra ở Dinh Tỉnh trưởng, và nó đã chấm dứt. Nó đã lùi vào quá khứ, như những căn nhà kiểu thuộc địa đã dần lùi về sau theo bước tiến chậm mà chắc của Thủy quân lục chiến. Phía trước Jim và đám lính lố nhố là trường Đồng Khánh, ngay phía xa kia một chút là trường Quốc Học. Khuôn viên rộng lớn, rậm rạp cây của hai ngôi trường đang ẩn giấu nhiều chiến binh. Trung đội trưởng của Jim đã bị thương và được tải về MACV. Là sĩ quan duy nhất còn lại trong đám tàn quân, Jim nhận trách nhiệm chỉ huy tạm thời. Đó là lý do giờ đây Jim đang dán mắt vào tấm bản đồ Huế. Anh cũng không hiểu mình làm thế để làm gì. Vì giờ đây, trước mặt anh và trung đội là những cứ điểm cuối cùng còn đứng vững của địch quân. Có lẽ anh hiểu, tờ giấy vô tri được bọc lớp nhựa chống nước trước mắt anh chỉ là cái cớ. Thực sự, Jim đang nghĩ về cô nữ sinh Đồng Khánh của chuyện tình đẹp và buồn. Đó là một câu chuyện không mấy ấn tượng, nhưng không hiểu sao Jim vẫn bận tâm về nó như thế. Người kể chuyện còn không hề có một binh chủng.

Có thể hắn là lính Thủy quân lục chiến, vì Vùng 1 là nơi trú đóng của Thủy quân lục chiến ngay từ những ngày đầu tiên. Nếu hắn là lính Sư đoàn 1 Không kỵ vừa từ An Khê lên đồn trú ở Thừa Thiên cuối 1967, thì câu chuyện có thể chỉ vừa xảy ra một vài tuần, và là mới nhất trong cả cuốn sổ. Cũng có thể đó là một gã Không quân, hoặc phi công của binh chủng Hải quân. Cả Thủy quân lục chiến cũng có trực thăng mà, vậy hắn có thể là một phi công trực thăng. Đó là đám lính mà Jim ghét nhất. Nhưng câu chuyện của hắn làm anh cứ miên man nghĩ. Thật ra, tất cả những gì chung quanh chiến tranh đều làm người ta suy nghĩ. Chỉ khi ở trong chiến tranh, lọt thỏm trong đó, và được đặc cách ở ngoài chết chóc, bộ não con người mới được giải lao. Lúc ấy, chết là vô nghĩa. Jim có thể chết bất cứ lúc nào, ngay bây giờ, mà anh thì chưa kịp nghĩ đến việc đó, vì anh vẫn đang suy tư bất tận.

Tay lính Không quân, cứ tạm cho là thế, đã đi bên cạnh cô gái Huế. Tà áo cô bay trong gió từ bờ sông thổi lên. Tà áo phấp phơ mềm mại như tấm hoa kỳ đắp trên quan tài của một tử sĩ. Anh lính không hiểu làm sao họ đã quen nhau. Và người viết lại câu chuyện cũng thế, hắn ta đã viết xuống như một người điên. Jim chỉ biết rằng, hình ảnh tà áo đẹp và buồn ấy đi cạnh một gã phi công cứ lay lắt mãi trong trí tưởng tượng của anh. Một cô gái da vàng Việt Nam, một cô gái xứ thần kinh, e thẹn và mộng mơ, đang sánh vai với một phi công Mỹ, trong bộ lễ phục phẳng phiu tươm tất. Dưới lớp quân phục ấy là một người lính mệt mỏi, có lẽ do hắn vừa bay 5 phi vụ tối hôm trước để thả xuống vùng đất đen tối ở phía Tây 500 tấn bom. Đó là vùng hành quân của một toán viễn thám hỗn hợp Mỹ – Việt nào đó. Họ bị phát hiện và truy đuổi. Người trưởng nhóm gọi tiền sát không quân (FAC[1]) hỗ trợ. Và tay phi công thuộc binh chủng Không quân đã tham gia không yểm với sức mạnh bạt núi của không quân chiến thuật. Jim đã từng nếm mùi sức nóng bom napalm. Anh hiểu sự khủng khiếp của không quân chiến thuật, với những chiếc F-4, A-1 bay tầm thấp để cắt bom, và những gã phi công thiện chiến ngồi khom khom trong buồng lái như những con diều hâu đang cơn cuồng sát. Trận Khâm Đức vào khoảng đầu cuộc chiến đã cho anh nếm mùi giường bệnh quân y viện trong 2 tháng liền vì vết bỏng của bom xăng do chính máy bay Mỹ thả nhầm sát đơn vị.

Có lẽ cô gái đã hỏi viên phi công điều đó. Có phải anh vừa bay chiều qua, thả napalm xuống vùng rừng núi kia, nơi cô chưa bao giờ đến. Vì cô là một nữ sinh, và nữ sinh trường Đồng Khánh thì không việc gì phải có mặt ở giữa thung lũng A Shau chết chóc ở phía Tây của Huế vào những tháng năm ấy để làm gì. Có phải anh đã thả những trái bom 500 cân Anh chiều qua? Có phải anh đã giết quân thù, những người cùng dòng máu với tôi? Chắc chắn anh không trả lời. Vì chính viên phi công đã kể lại cho người viết cuốn sổ đỏ như thế. Thật ra, viên phi công không hiểu cô nữ sinh nói gì. Cô có nói hay không, hắn thực không nhớ. Nhưng hắn biết cô muốn hỏi như thế. Đến đây, cả người viết và Jim đều bối rối. Cả hai, một người viết, một người đọc, đều biết rõ tất cả chúng ta biết cả hai nói với nhau những gì. Cũng đơn giản thôi. Khi một phi công Không quân Mỹ đi dạo với một cô nữ sinh Đồng Khánh dọc con đường Lê Lợi, lướt qua những tòa nhà bề thế và lãng mạn kiểu thuộc địa, cả hai chắc chắn nói với nhau những lời yêu thương. Đó không hẳn là những lời yêu thương trai gái, Jim nghĩ. Nếu thực sự có như thế, thì họ lãng mạn quá. Nhưng Jim thấy một điều gì cao hơn như thế. Đó là một cuộc gặp gỡ phi lý, một trao đổi phi ngôn ngữ, một buổi đi dạo vượt thoát khỏi không – thời gian và những lẽ thường của đời sống. Quan trọng nhất, cô gái và chàng trai đã ở ngoài cuộc chiến, và chính lúc đó họ đã ở trong chết chóc, trái ngược với tình trạng của Jim bây giờ. Jim đang ở trong cuộc chiến, vì anh bị bắn rát từ hai phía. Trung đội của anh đang bị ghim chặt, do hỏa lực đan chéo đã sắp đặt sẵn từ khuôn viên trường bắn ra. Tiếng la thảm thiết của những kẻ trúng đạn và bị thương xung quanh Jim, khiến anh chợt nhớ về sự tĩnh lặng và trầm lắng của không gian chung quanh đôi nam nữ đang đi dạo dọc con đường Lê Lợi. Không gian yên ắng như bao lấy họ, cách ly chân không họ với Huế, tuyệt thực họ với chiến tranh và đoạn tuyệt họ với đời sống. Đúng lúc ấy, cô gái vòng tay ôm người phi công, đầu cô nhẹ nhàng tựa vào lồng ngực anh, đôi mắt cô nhắm chặt, vì thật ra chưa ai thấy cặp mắt cô, như tất cả những cô gái Việt Nam trong cuốn sổ đỏ mà Jim đã đọc. Anh phi công hơi bất ngờ, nhưng nhanh chóng chìm theo vào thời khắc đó. Một tay anh vòng sau lưng cô gái, tay kia mân mê mái tóc đen mượt, rồi nhấn nhẹ vào ngực mình. Đúng lúc đó, đất trời như vỡ tung, gạch đá bay tán loạn, khiến cặp đôi như nhòa đi. Một quả B-40 đã nổ bên trái cách Jim mười bộ. Mái tóc nữ sinh Đồng Khánh trắng xóa bụi vôi vữa, còn hai bàn tay anh lính đang cố che đầu và thân mình cô gái cũng lám xám đầy bụi đất. Bộ quân phục không còn nhận ra màu gì nữa, trong khi mắt cô gái càng nhắm chặt và mạnh mẽ hơn. Jim dần lịm đi, bất tỉnh, trong khi cặp nam nữ Mỹ – Việt vẫn ôm nhau đứng đó giữa màn bụi. Vừa khi lớp đá bị bắn tung lên bắt đầu lộp độp rơi xuống. Nếu nhìn kỹ, xen lẫn giữa làn mưa đá đang rơi xuống là những viên đạn đủ loại: đạn NATO, đạn Liên Xô, lựu đạn của súng phóng lựu M-79, đạn B-40, lựu đạn cây cán bằng gỗ Trung Quốc, đạn 7 ly 62 súng máy, rồi đến mìn claymore, mìn cóc, đủ loại vũ khí. Trận mưa gạch đá và vũ khí hỗn hợp đa quốc tịch dần yếu đi. Bất thần các bộ phận tứ chi cơ thể người rào rào rơi xuống. Có bộ phận người vẫn mang nón lá, mặc áo bà ba, một bộ răng vẫn còn đỏ nước trầu, và những mái tóc đen, da vàng. Những thứ ấy cứ rơi mãi, đến khi đôi nam nữ bị lấp đầy, chìm nghĩm và chôn sống trong mớ hổ lốn ấy. Lúc đó Jim đã hoàn toàn bất tỉnh.


[1] FAC: Forward Air Control

Published by LKV

Reader. Slacker.

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

%d bloggers like this: