Trên một tiền đồn, người lính nhìn về phía ánh lửa ở xa xa. Giữa đêm đen bao phủ vùng trời đất thời chiến sự, ánh lửa bập bùng lúc thì màu vàng lúc thì màu cam.
Đó là nơi thành phố đang bị vây hãm.
Người lính là cư dân thành phố, nhưng giờ đây anh phải canh gác trên một đỉnh cao nơi rừng xa.
Thành phố đang bị tấn công.
Những tiền đồn tưởng chừng sẽ hứng chịu làn sóng vỡ bờ của kẻ địch, ai ngờ bằng cách nào đó địch quân đã bỏ qua những tiền đồn, luồn lách trong rừng và băng qua nơi cạn của những con sông, để rồi xuất hiện bất ngờ trước cửa ngõ của thành phố.
Thành phố đang bị tập kích.
Ánh lửa bùng lên mạnh hơn trong thoáng chốc nơi thành phố xa xa, khiến người lính cảm thấy tim anh vừa hứng chịu một loạt miểng đạn.
Tin tức dồn dập căng thẳng phát ra từ chiếc điện đài vô tuyến đang đặt kế bên người lính. Khẩu súng trường với băng đạn hai mươi viên đặt cạnh chiếc vô tuyến, yên lặng như chính nó đang nín thở lắng nghe tin từ một thành phố bị bao vây.
Người lính căng mắt dõi về nơi xa xôi. Niềm thương cảm của anh cho thành phố quê hương dâng trào như lũ nguồn chốn cao nguyên nơi người lính đã đóng quân từ năm ngoái.
Nhưng lúc đó người lính không rõ tình cảm của mình hướng về cái gì nhiều nhất. Thành phố là tập hợp của nhiều thứ. Anh cũng không rõ mình phải như thế nào nữa. Anh chỉ là một người lính nhỏ bé và đơn độc.
Có lẽ, là một người lính, anh phải giữ được cái đầu lạnh. Vì thế, cứ xem ánh lửa từ súng đạn giao chiến ở xa kia chỉ là những khổ nạn trầm thống mà một cư dân của thành phố phải gánh chịu và vượt qua.
Lịch sử của thành phố cũng chính là những sự vượt qua. Người lính sực nhớ ra điều đó.
Chuyện gì đã xảy ra cho Carthage, đô thành cổ đại của xứ Bắc Phi? Rồi Corinth, thành thị bên kia bán đảo Peloponnese? Có phải cả hai đều bị hủy hoại bởi những kẻ đến từ bên kia đại dương?
Rồi chính những kẻ đã phá hủy Carthage và Corinth cũng phải trải qua những ngày bị vây hãm, bị tàn phá. Kinh thành Rome sau này đã bị đốt phá, cướp bóc bao nhiều lần bởi những kẻ man dã?
Trước đó, chính những người La Mã, hậu duệ của một kẻ sống sót từ Cuộc chiến thành Troy, đã trả thù những người Hy Lạp thế nào khi đốt phá Corinth? Virgil, sử gia quốc doanh của La Mã, đã biện hộ gì cho điều đó? Cũng như Homer đã biện hộ như thế nào cho quân Hy Lạp khi họ phá hủy và san phẳng thành Troy bên bờ Tiểu Á?
Rồi những tàn dư La Mã đã chống chọi thế nào với làn sóng ngoại đạo để tử thủ kinh thành Constantinople? Rồi sau đó là Antioch, Jerusalem, Stalingrad, Bagstone?
Có nơi chẳng có kẻ thù gì cả, nhưng nó vẫn đổ sụp và dìm chết dưới sức mạnh của thiên nhiên, của Thượng đế: Pompeii.
Những xác người lẫn trong đống đổ nát của những thành phố bị bao vây và bức tử, họ ngỡ đã viết nên lịch sử của những thành phố đó. Nhưng không, lịch sử là những gì còn lại của thành phố, chứ không phải những gì đã bị giết.
Điều đó người ta đã thấy rõ ở hai bên bờ một con sông. Nơi mà bên này là thành nội và bên kia là những ngôi chùa, và những nhà thờ đổ nát. Thành phố từng bị bức tử nơi đó là một thành phố càng ngày càng chìm vào lãng quên. Nhìn vào đó, có ai dám nói dải khăn sô mà thành phố đeo là lịch sử được viết vội của thành phố không? Sự thực là không ai còn nhớ hoặc muốn nhớ về một thành phố với cây cầu đổ gục giữa dòng sông của xứ mộng mơ nữa.
Ngay cả những thành phố đã chìm sâu dưới nhiều lớp đất đá, như Carthage, Pompeii, ngay cả Rome nữa, khi dưới những lớp đất của Rome là những cơ tầng của nhiều thế hệ thành phố khác nhau, và Troy nữa, khi Troy của Hector và Apollo chỉ là Troy thứ bảy trong số mười mấy thành Troy chất chồng lên nhau của mảnh đất kế eo biển Hellespoint nhìn ra Địa Trung Hải và lối vào Biển Đen. Những hình người đã hóa thạch tìm thấy trong một nhà tắm công cộng ở di chỉ khảo cổ nơi tàn tích đô thành Pompeii. Những ghi ghép về việc kim loại vàng, bạc, đồng của Carthage bị nấu chảy ra dưới ngọn lửa của kẻ thù La Mã. Carthage đã bị vây suốt hai năm và bịt đường tiếp tế trên biển. Dòng suy tưởng của người lính cứ trôi đi như bị cuốn vào một lỗ đen lịch sử quay về thời cổ đại.
Tất cả đều cho thấy một thành phố dù hào nhoáng và mạnh mẽ thế nào vẫn sẽ đến ngày trải qua khổ nạn và thử thách của kẻ thù, hoặc của Thượng đế, nếu hai khái niệm đó xem như tách biệt nhau!
Cho nên, giờ đây người lính chỉ còn biết chuẩn bị cho một lịch sử mới của thành phố. Vì lịch sử thành phố là lịch sử của sự vượt qua. Súng trường của người lính vẫn dựng ở đó, chưa bắn phát nào. Anh bình tĩnh chờ đợi, trong khi những ánh lửa cuối cùng bùng lên nơi thành phố bị vây hãm xa xa. Rồi sẽ đến lúc người lính cần tới khẩu súng trường, khi anh và những kẻ sống sót khác tiếp cận thành phố.
LKV
20-07-21