[Phiên bản khác của truyện này đã in trong tập Chuyến bay tháng Ba, PhanBook, Nxb Đà Nẵng, 2021.]
Văn chương chỉ còn là cái áo, đôi giày, quần xé gối, đồng hồ tiền tỷ, siêu xe tiền triệu [đô]. Văn chương là những hào nhoáng đầu tiên [vì dễ nhất] và cuối cùng [vì vừa đủ khó] có thể khoác lên một con người. Văn chương là sự mặc, là sự khoe của một người còn sống, đồng thời là thành lũy cô độc và duy nhất để ngăn một tử thi sống dậy và biến thành một con zombie. Người ta đang dùng văn chương để trang trí cho ngôi nhà thiếu cửa sổ. Do đó, ở thời đại này, một người không biết gì về văn chương sẽ dễ dàng bị lạc lối trong những trò bịp. Người ta viết điểm sách bằng cách góp nhặt đây đó từ bài vở hiện lên trên trang thứ nhất của một công cụ tìm kiếm nào đó. Nếu tiện, họ sẽ không dẫn nguồn và đường hoàng ký tên chính mình và chỉ độc tên mình trơ trọi như một ngọn cỏ hiên ngang trên cánh đồng ngập nước lũ. Nhưng bi kịch của tất cả lại diễn ra khi cái tên ký đó chính là một bút danh ít ai biết của một người có tên tuổi trong giới viết lách và không muốn tên tuổi thật bị ảnh hưởng vì những phán xét của một cộng đồng độc giả không chuyên. Vì sự thiếu chính danh này, người ta có thể làm mọi thứ. Văn chương do đó càng lúc càng trở thành một hố thẳm. Nước ngập sẽ đổ hết vào đây. Những kẻ háo danh nhưng thiếu thời giờ sẽ bám vào hố thẳm như một sân khấu hào nhoáng nhất mà những thế hệ độc giả cũng háo danh không kém có thể tưởng tượng ra. Trong trường hợp này, hố thẳm đối với họ lại chính là một bục cao được ánh đèn tròn làm cao hơn ở chính giữa sân khấu.
Anh nói về văn chương, em hiểu không? Anh à, anh cũng chỉ là một kẻ mà chính anh đang phê phán. Em à, phê phán chính mình là một diễm phúc. Anh nhận sai, anh đã hành xử như một đứa trẻ con. Không ai hoàn hảo cả. Em à, em đã từng thấy một độc giả trong hình hài con trẻ chưa? Người em bé, người ta hay gọi như thế, để phân biệt với người nhện, người sắt, người dơi, người cát, hay người thằn lằn. Một độc giả như thế là một diễm phúc và một ân huệ của nhân loại. Vì chỉ có người em bé khi đọc mới có thể giữ một chỉ số thành kiến bằng không. Anh ơi, làm sao để gặp người em bé? Không cần diện kiến, em chỉ muốn thấy người này. Hay là cho em thấy từ xa cũng được. Em muốn quan sát người em bé ngồi đọc sách. Có thể từ phía sau. Hay từ một góc chếch chếch bên phải từ phía sau càng tốt. Ở góc đó, em có thể thấy sự điềm tĩnh trên khuôn mặt của một độc giả đã gột bỏ hết tất cả sân si uất hận với con người. Trên khuôn mặt của người em bé, có thể em chỉ còn thấy những biểu lộ nhỏ và nhẹ nhàng thôi. Cảm xúc của một độc giả khi đọc sẽ lộ ra trên trán người đó. Không có chữ, thay vào đó là những nếp nhăn. Mà người em bé là một đứa trẻ, nên nếu em thấy được một nếp nhăn thì đó là một hân hạnh của em. Em à, ai cũng tìm cho mình một thần tượng như thế. Trong văn chương, thần tượng nhiều khi chỉ là một chiếc dép tổ ong sứt quai, một vỏ chai mà không ai muốn thu nhặt, hay một ống hút nhựa mà ai ai cũng ghê tởm của ngày hôm nay. Thần tượng của văn chương đã đi qua bên kia hoàng hôn hay chưa? Đó chính là nhiệm vụ của văn chương. Người em bé chỉ là một ma-nơ-canh khoác lên mình vẻ màu nhiệm của một kẻ trung dung và thoát tục. Bản thân con người này không tồn tại. Chỉ có những người chích văn chương vào máu, thay vì truyền nước biển, thì mới hy vọng thấy được người em bé. Tại sao anh lại tiếp tục nhả ra những điều vô nghĩa về văn chương, vì anh muốn được sống như một người em bé. Anh muốn trở thành một đứa trẻ. Tuy vậy, anh vẫn muốn làm người lớn để đủ tuổi mua rượu và thuốc lá. Em à, đôi khi anh cũng muốn vào vũ trường nữa. Nhiều nơi họ cần xem thẻ căn cước rồi mới cho phép anh làm những việc đó. Văn chương còn ý nghĩa gì với một thẻ căn cước không có năm sinh và nhân dạng? Không có thẻ căn cước, cũng chẳng còn thần tượng. Người ta cần có một bộ mặt để làm người khác tôn sùng mình. Anh à, vậy là anh chích văn chương vào máu thay cho nước biển để trở thành một idol theo kiểu Kpop hay sao? Thần tượng thời này khác cái thời của những tay triết gia. Không có ý nghĩa gì cả!
***
Em à, bầu trời ở đây đã có lại màu xanh. Em vẫn nhớ màu xanh khi chúng ta ngồi trong chiếc xe cũ của anh chứ? Bầu trời miền Tây nước Mỹ có màu xanh bất tận. Em thì ít khi nhìn lên trời, nhưng anh biết em vẫn thích thả dòng suy tưởng về phía chân trời bí ẩn của một vùng đất quá rộng lớn và xa lạ. Lạ thật chứ, tít ở đằng xa nơi chân trời ấy, bầu trời vẫn có màu xanh. Em đã từng buột miệng nói, lạ quá anh à, trời ở đây không có mây. Có thể mây cũng màu xanh nên chúng ta không thể thấy mây.
Sau đó, anh không nói gì thêm và bắt đầu vặn âm thanh lớn hơn. Tiếp theo là màn trình diễn chọn lọc hỗn hợp những bài anh thích. Một chút nhạc hip hop thời thượng. Xen vào đó là vài bài nhạc dance thập niên 90. Thi thoảng có một bài rock của Queen hay Metallica. Kết thúc dĩa lúc nào cũng là những bản rap Việt thời đầu. Em lắng nghe mà không nói gì. Có thể em lắng nghe một cách chịu đựng. Nhưng ở độ tuổi hai mươi, cả hai chúng ta không theo một khuôn khổ gì và không có định hướng gì. Không hề có dấu hiệu của sự sắp đặt. Em và anh, chúng ta là hai người trẻ không có gu. Mặc nhiên là thế. Tuổi trẻ mà có gu thì là cụ non mất rồi! Vào lúc đó, em và anh, chúng ta vẫn chưa thấy ghê tởm vì những thói rởm đời và háo danh của ngày hôm nay. Niềm vui đơn giản chỉ là bật hết công suất loa trong chiếc xe cũ để vui với những bài hát đủ thể loại và đa dạng về giai điệu. Em và anh, chúng ta chỉ có bầu trời với giới hạn là màu xanh. Mà màu xanh thì thường không có giới hạn. Anh hay cầm tay lái chiếc xe như một hiệp sĩ. Cho dù em có thấy khó chịu hay khác thường vì điều đó, anh nghĩ em vẫn xem đó như một hệ lụy của việc không có gu. Mà em cũng như thế thôi, em để búi tóc như một bà cụ, và mặc quần tây thùng thình của thời cấp ba. Em nhìn bầu trời xanh bằng con mắt vô tư và không hề có dấu hiệu gì là phiền lòng với bài rap Việt anh đang mở. Nửa tiếng Việt nửa tiếng Anh. Anh lén vặn âm thanh lớn hơn một chút. Em ngồi yên như một pho tượng bị hóa đá dưới bầu trời xanh của miền Tây. Xe đã đến nơi em làm, một cửa hàng quà tặng, gift shop. Anh cố tình đi lố để rồi quay đầu lại. Đường xá ở đó không như ở đây. Chúng ta cần phải quay đầu đúng luật, cho dù loa đang mở bài hát của một ban nhạc heavy metal nổi tiếng. Không có giới hạn giữa em và anh, nhưng chúng ta cần tuân thủ luật pháp.
Bầu trời có màu gì, vẫn là màu của một thế giới đẹp nhất mà chúng ta từng sống. Nơi đó, anh có em như một nghệ sĩ hip hop bị lộn trái vào trong nâng niu bài hát vừa sáng tác. Một nghệ sĩ chưa nổi tiếng, một kẻ da không đen nhưng vẫn nghĩ mình đủ gồ ghề để khoác lên cổ một sợi dây chuyền lấp lánh nặng nề hình Thánh giá. Em thì có anh như một kỷ niệm nhẹ nhàng và lãng mạn của thời con gái, thời em còn yêu màu xanh của một bầu trời xa lạ.
***
Em à, anh lại đăng nhập vào trang diễn đàn của chúng ta. Đó là những năm tháng mà em và anh từng mang những chức danh trên một diễn đàn trực tuyến. Ở đó, hơi thiếu sự công bằng. Vì đó là một xã hội thu nhỏ của một xã hội thu nhỏ của vũ trụ.
Chức danh “moderator” bên dưới hình đại diện của em như một dấu chỉ về tính thiêng liêng của cuộc chơi. Em là ngôi sao của diễn đàn. Có thể em là bồ nhí của tay “admin” diễn đàn! Đó là lý do em hay được đặc cách vào những vai này nọ, luôn đứng trên kẻ khác. Anh tham gia diễn đàn như một kẻ chinh phạt. Anh từng nghĩ mình là sát thủ đội lốt một dân đen. Cuối cùng anh cũng đạt được mục đích. Anh đã được phong thánh, một “moderator” coi sóc một mục mới mở giành riêng cho anh. Đó là một thời hoang dã và điên cuồng làm sao. Em hay dùng từ “điên cuồng”. Đó là chữ ký, là thương hiệu của em. Chúng ta từng nấu cháo điện thoại xuyên đêm dưới cái lạnh của mùa đông. Mùa đông nơi em thì lạnh hơn mùa đông nơi anh. Nhưng anh vẫn chấp nhận, vì anh có gói điện thoại tháng miễn phí đến 5000 phút. Do đó, anh có thể nằm trong chiếc xe của anh dưới cái lạnh của đêm mùa đông để nấu cháo với em đến sáng.
Em hay nhắn tin anh lúc anh đang ở thư viện. Về sau chúng ta sẽ nhắc lại về thư viện. Anh vẫn nhớ đó là lúc anh đang đọc cuốn Bác sĩ Zhivago hai tập của một nhà xuất bản nào đó. Những tin nhắn của em khiến anh tỉnh thức giữa những cơn buồn ngủ. Không hiểu sao thời gian đó đối với anh là một chuỗi tối tăm rồi thức tỉnh không có trật tự gì. Chỉ một chi tiết nhỏ thôi của đời sống cũng khiến anh thức tỉnh một cách kinh thiên động địa. Mỗi lời nói là một dấu ấn, mỗi bước chân là một cơn địa chấn. Anh lên giọng, sóng thần Thái Bình Dương chực chờ muốn dâng lên ngoài kia. Anh xuống giọng, lửa cháy rừng từ phía đông như muốn quét đến tận gốc những quận hạt xa xôi bên kia dãy San Bernadino. Dù sao đi nữa, giọng nói của anh hầu như không gây được ảnh hưởng gì nơi em. Vì em vẫn chỉ xem anh là một trong những người bạn trai. Mà bạn trai chính của em thì ai cũng đã biết. Đó là một người nổi bật và luôn biết cách gây ấn tượng giữa đám đông. Hắn có chiêu ngậm chai bia lạnh chổng ngược tu hết một hơi. Đó là một gã hề. Thỉnh thoảng anh ghét em vì điều đó. Nhưng có hề gì, em phải như thế để anh hiểu rõ hơn về một mùa đông. Đôi khi, em làm anh hiểu rõ thêm về cách vận hành của một diễn đàn trực tuyến. Ở đó, anh đã quen nhiều người bạn. Anh đã gặp họ trong những buổi offline của cái thời hăng hái nhưng cũng dễ tổn thương của tuổi trẻ. Đó là những chuỗi ngày được mùa đông hóa thạch, đóng thêm lớp băng ở ngoài, và chôn giữ sâu dưới lớp tuyết êm đềm của lịch sử. Thỉnh thoảng, anh sẽ lại đào lên, mở ra, nâng niu những kỷ niệm, và tưởng nhớ về những chức danh của bộ sậu ban quản trị diễn đàn. Anh sẽ nhớ lại từng khuôn mặt. Cùng lúc đó, anh sẽ nhớ về em và biết chắc rằng em chẳng thể nhớ nổi về khuôn mặt của bất cứ kẻ nào trong số đó. Cuộc sống đã nhàu nặn em như luồng gió Santa Ana đã phá hủy mùa đông năm nào. Em chỉ còn là một túi kẹo bị đánh vỡ tan nát trong ngày Halloween. Không còn ai nhớ ra được nhân dạng thật của em. Giọng nói của em chắc chắn cũng đã trở nên dễ nghe hơn nhiều.
Nếu tên miền của diễn đàn năm xưa được mở lại, anh sẽ gửi nó cho em. Giờ đây, em không còn là một ngôi sao của diễn đàn nữa. Em đã là một góa phụ, hay một đào phụ trong vở diễn cuộc đời. Những bài viết điên cuồng và những tin nhắn thừa mứa của em không còn tồn tại nữa. Vì diễn đàn chỉ còn là khái niệm trừu tượng. Diễn đàn từng là cuộc sống, là xã hội thu nhỏ. Giờ đây, muốn tìm đến diễn đàn, người ta chỉ cần vươn tay ra để chạm vào cuộc sống. Vì cuộc sống là một khái niệm gồm thâu cả diễn đàn và những chức danh vô nghĩa trong đó.
***
Anh mang lon trung úy. Chức trung đội trưởng. Anh đã kể em nghe về một thời sôi nổi. Chức danh thỉnh thoảng là vô nghĩa, nhưng ký ức luôn mang những nghĩa mới ở những thời đại khác nhau được ngăn chia bởi những giới tuyến không kẽm gai và bãi mìn.
Đêm tối đen hấp dẫn như trời xanh thẫm làm lạc lối bao nhiêu con thiêu thân. Đám trinh sát của đại đội trinh sát sư đoàn cũng hay được xem là những con thiêu thân. Đêm đang tối và trinh sát thì luôn chết hoặc sống như chờ đợi cái chết. Đó là một buổi đi kích. Trong đêm, toán trinh sát do anh đích thân chỉ huy đã giật mìn ở ngã ba phía nam ngôi làng. Toán trinh sát của kẻ địch tan vỡ, một kẻ sống sót bị bắt làm tù binh.
Em hẳn sẽ rất tò mò về người tù và những gì hắn sẽ nói và muốn nói. Hắn là một trinh sát như anh. Cũng là trinh sát sư đoàn. Những sư đoàn đã đối địch với nhau hết mùa khô này sang mùa khô khác. Chắc chắn hắn cũng không nhớ nổi từ khi nào hai sư đoàn bắt đầu đụng độ nhau, cũng như hắn không thể nào cho em biết chính xác lúc nào những tay súng của cả hai phe sẽ ngồi lại với nhau như những người anh em và cùng hút một nhãn hiệu thuốc lá. Lịch sử của rừng thiêng ngàn năm u trầm nơi chốn cao nguyên bạt ngàn không ghi chép hết đã qua bao nhiêu mùa khô chết chóc.
Rừng xanh, tối, và đen, cao nhiều tầng. Rừng cao lớn và uyên bác, phủ bóng lên người tù binh đang ngồi nơi góc kia. Anh nhìn người tù như anh nhìn vào em của ngày mai. Em sẽ trở thành một thứ đáng thương nhưng cũng đồng thời đáng được tôn trọng, như thế. Đến lúc đó, anh sẽ nói với em những lời yêu thương và quan tâm như với một người tù binh. Em sẽ không còn thắc mắc về người tù nữa, vì em sẽ ở vào vị trí của anh ta vào lúc này.
Đúng lúc đó, người tù binh mở miệng và diễn thuyết hùng hồn về lịch sử một ngã ba. Anh lắng nghe và nghĩ đó là ngã ba phía nam ngôi làng mà toán trinh sát đã bắt sống được người tù. Nhưng sau đó, anh nhận ra anh ta đang nói về một ngã ba khác. Đó có thể là ngã ba biên giới, hay Tam Biên, nơi phân chia ranh giới giữa ba đất nước. Mãi về sau khi nghe em nói, anh mới biết hôm đó người tù nói về một ngã ba của lịch sử. Nhưng ngay lúc này anh chỉ nghĩ về vùng Tam Biên.
Nơi đó, đại đội trinh sát đã chịu nhiều tổn thất. Đó là vùng hành quân sôi động của những đơn vị trinh sát, viễn thám của cả hai phe. Về phe anh, không chỉ trinh sát sư đoàn bộ binh diện địa mà những đơn vị lực lượng đặc biệt SOG của Mỹ song song với biệt kích Nha Kỹ Thuật thường xuyên hoạt động ở khu này. Ngay cả Biệt động quân Biên phòng cũng hay tung trinh sát tuần tra vào ban ngày.
Vùng Tam Biên là nơi có nhánh xâm nhập của phía bên kia. Phía bên này biên giới là một loạt các căn cứ và cao điểm phòng thủ tạo thành một hệ thống ngăn chặn. Phía bên kia biên giới, con đường hẹp chạy từ Lào sang mất hút trong rừng thẳm trước khi đến biên giới, và sau đó phục sinh trở thành Tỉnh lộ 512 trong lãnh thổ Việt Nam. Ở vùng này, chỉ còn binh lính và những đường mòn. Biết bao nhiêu kẻ đã làm kiếp thiêu thân bỏ mạng nơi đây.
Người tù binh đang ngậm điếu thuốc anh vừa đưa. Anh ta phì phèo cho hết rồi mới nói tiếp. Người tù binh nói hăng say như em đang nói với anh về tình yêu. Anh chợt nghĩ, nếu tình yêu là một ngã ba như hắn nói, thì em và anh đỡ phải lo nghĩ nhiều. Em và anh, chúng ta, anh và em, đã đối mặt với những ngã rẽ, những giao lộ, những bùng binh, những vòng xuyến với nhiều hướng đi. Có thể là ngã mười, ngã trăm. Không ai rõ vì sao tình yêu có thể phức tạp đến thế. Nhưng mặc tất cả, chiến tranh vẫn ác liệt ở đây, ở nơi ngã ba của những cơn mê. Bên này hay bên kia, hay bên thứ ba, tất cả đều phải chết ở ngã ba. Người tù binh vẫn chưa chấm dứt câu chuyện về lịch sử của một ngã ba. Người nghe có thể hiểu đó là một ngã ba của lịch sử cũng được. Không có đúng sai, chỉ còn những số phận. Mà số phận thì không thể tệ hơn số phận của những con thiêu thân. Không ai trong đại đội trinh sát chọn số phận của mình để trở thành như thế cả. Nếu được chọn lại, chắc chắn phần lớn sẽ chọn làm một trung úy, trung đội trưởng, thay vì một lính trơn, cho dù là lính trinh sát.
Phía bên kia dãy núi là nước bạn. Phía bên này cũng là nước bạn. Phía sau chỗ anh đang đứng là nước chúng ta. Ở đó có những thung lũng hẹp giữa những dãy núi thô kệch và hiểm hóc của vùng Tam Biên. Em không hình dung được đâu, đó là nơi có những cao điểm và những căn cứ. Trại Bến Hét nằm sát biên giới. Kế đó là một số đỉnh cao. Về hướng đông là Đak To, Tân Cảnh. Phía trên một chút là những nơi mà sau này người ta sẽ biết đến nhờ tên một bài hát nổi tiếng: Charlie. Chắc chắn là em nhớ tên bài hát này. Nhưng em không hình dung được đã từng có lúc chúng ta từng lãng mạn như thế. Anh là một trinh sát và anh chiến đấu như một xác chết. Không ai định nghĩa được xác chết. Năm đó, vùng Tam Biên đã sôi động như thế. Em rồi sẽ quên về những tháng ngày sôi động này. Còn anh thì vẫn là một con thiêu thân, bất chấp đó là ký ức mang nghĩa nào của thời đại nào. Chỉ có người tù binh là vẫn còn sống và bất biến.
***
Trời ơi! Em thốt lên.
Chúng ta đang sống trong thời đại nào? Mà anh và em vẫn không thoát được khỏi quá khứ. Em nói với anh như khi em ngủ với anh. Không có cảm xúc gì. Em à, anh nói, khi công tác ngoại biên vào vùng địch hậu, những gì một người trinh sát nghĩ, hay tất cả những gì người trinh sát nghĩ, đều là về em. Một khi cái chết được lên lịch hẹn trên một ứng dụng trên máy điện thoại cá nhân, thì quá khứ hay tương lai đều chỉ là một chuỗi dài vô tận và vô cực như một chân trời.
Đó không còn là thời gian của một trinh sát nữa. Anh và em, chúng ta đã sống những ngày đẹp nhất nơi vùng đất có bầu trời xanh đầy bất an. Vì màu xanh quá êm đềm và ngọt ngào, khi đánh mất nó chúng ta sẽ càng đau đớn hơn. Ai cũng biết đau đớn là mặc định và bất biến, em và anh vẫn phải nên lo nghĩ. Cho dù lạc trong ánh mắt em, hoặc chìm đắm trong Thái Bình Dương của sóng lưỡi và bờ môi em, hoặc bị cầm tù trong vòng tay em xanh như rừng cao nguyên và ấm như bầu trời u ám trên đỉnh dãy Hỏa Tiễn mà Mỹ hay gọi, thì anh vẫn bất an và lo nghĩ. Chỉ có nghĩ, chúng ta mới sống. Một hiền triết nào đó đã nói như thế. Như vậy, câu hỏi của em có thể viết lại là: Chúng ta đang nghĩ trong thời đại nào? Thật ra, không thể nghĩ trong một thời đại em à! Ngay cả việc suy nghĩ cũng cần phải xin phép. Đó là thực tế.
Chính như vậy, chúng ta mới mãi phải quay về với quá khứ. Quá khứ hay ký ức, hay những gì đẹp nhất của một thời vàng, là nơi cội nguồn của dòng suối chảy qua thung lũng đầy xương máu nơi vùng Tam Biên. Không biệt kích nào không biết dòng suối này. Ở đó, không ai nổ súng nhưng vẫn đầy xác người. Cả hai phe thi nhau bỏ mạng tại đây. Máu không màu của những kẻ mất mạng đã chảy ra, làm đầy thêm dòng suối. Nơi đó cũng là nơi anh đã đặt chân đến, và còn sống sót để về kể lại cho em ngày hôm nay. Em à, thời đại nào rồi cũng sẽ trở thành một trang lịch sử. Trang sử đó có thể được in trên giấy không axit bên trong một cuốn sách khổ to, bản đặc biệt và giới hạn, bìa da mà người ta đặc chế để tồn tại ngàn năm. Trang sử đó cũng có thể là một trang giấy lộn lưu lạc nơi tiệm sách cũ mà những tay đầu cơ và phát xít sách hay lai vãng. Một khi họ tìm được trang sử, nó sẽ được cất giấu để trở thành một tài sản độc quyền của kẻ sưu tập. Khi có ai trích dẫn, tên kẻ sưu tập sẽ được nhắc đến trang trọng như một anh hùng của lịch sử. Trang sử đó cũng có thể không bao giờ được in xuống, hoặc nó bị xé bỏ khi một ban quản lý thư viện khác tiếp quản. Trang sử lúc đó trở thành vô hình và chỉ còn tồn tại trong ký ức của những xác chết nơi dòng suối cạn ở đáy thung lũng vùng Tam Biên.
Do đó, em đừng nên buồn. Đúng ra, em không nên có cảm xúc gì cả. Em và anh, chúng ta luôn biết cách để thích nghi với thời đại của mình. Em và anh, chúng ta là những người trẻ và là tương lai của cộng đồng còn sống sót. Cộng đồng chúng ta đang sở hữu những tài sản trí tuệ đáng giá như thế nào, hiện em và anh vẫn chưa biết rõ. Nhưng đã có nhiều sự dòm ngó từ những kẻ bên kia biên giới. Đó là vùng Tam Biên nên không rõ họ đến từ bên kia biên giới nào. Thời đại nào cũng có những kẻ chinh phạt. Em và anh, chúng ta phải bình tĩnh và cứng rắn hơn. Những trang sử phải có một ai đó lưu giữ và truyền lại cho những người đến sau từ một dãy núi khác, xa hơn và hiểm trở hơn cả dãy Hỏa Tiễn.
***
Thư viện lọt giữa đại ngàn của đô thị. Chung quanh thư viện đã đứng đó trăm năm, là những bóng hình to lớn, nặng nề, thô kệch của những thành tố mới. Chúng cao, vuông, và đơn sắc. Thư viện thấp như sự khiêm tốn của một đại sư. Ít ai biết nó đang gánh trên vai một đại lộ diễm huyền của quá khứ. Cũng có thể trên vai nó là những cơ tầng lớp lớp của những ký ức. Ký ức thì đẹp đẽ [đó là định nghĩa về ký ức của thành phố chúng ta đang sống, thành phố của em và anh, ký ức thì không xấu.] Trên vai của thư viện là một bóng ma như bóng ma của nhà hát. Bóng ma đó đã chết đi chết lại nhiều lần trên những chiến trường của xứ sở.
Ánh sáng chiếu xuống thư viện phải luồn lách qua những thành tố cao và vuông của đô thị. Ánh sáng luồn qua được và phản chiếu vào thân bằng kính của những thành tố, để đến được thư viện. Đó là một chặng đường dài và gian khổ như con đường độc đạo khổ ải của vùng rừng núi Hạ Lào. Từ đỉnh của những thành tố mới nhất, cao nhất, kỷ lục của xứ sở, kỷ lục của thời đại, em và anh nhìn xuống thư viện hun hút dưới kia như đang ngồi trên pháo đài bay nhìn xuống một vực sâu mười ngàn mét nơi đáy biển. Đúng lúc đó, em và anh đang nhâm nhi một chai rượu vang. Ngoài cửa sổ của nhà hàng áp mái của thành tố cao nhất vùng đất là những đám mây màu gì đó cũng đơn sắc như những thành tố đang che lấp thư viện. Em và anh nhìn nhau, không nói gì, tiếp tục nhâm nhi ly vang.
Từ khi nào chúng ta bắt đầu uống rượu vang? Em à, anh lại nhớ những chuỗi ngày rong ruổi của chúng ta. Mái tóc của anh và em quyện vào nhau trong một thời gian bất tận như dòng rượu vang đỏ chảy ra từ miệng của một kẻ bị sốc thuốc đang nằm trơ ra đó nơi góc nhà hàng. Đó là một nhà hàng Á Châu đông khách nhất của vùng đô thị của đất nước Xuống Dưới, hay Dưới Dưới. Ánh đèn mờ ảo vàng vọt bắt chước sự lãng mạn của một thư viện, nhưng ánh đèn đó thực ra đang che dấu sự thối rữa của một tảng thịt bò Angus đặc sản của nước Dưới Dưới. Dưới ánh đèn, cô gái dưới lớp áo khoác nỉ bị sốc thuốc nằm dài trên bàn, dưới một bức tranh sơn mài có cô gái mặc áo dài, cô gái áo khoác nỉ nằm bình yên và an lạc như một kẻ chân tu dưới một thác nước. Lúc đó, anh còn nhớ, trong nhà hàng có rất nhiều người uống rượu vang. Vang đỏ, vang trắng, riesling, merlot, vang-tự-mang, vân vân. Em và anh không thích uống vang vì chúng ta là người Á Châu. Hơn nữa, vang hay làm anh xốn bụng. Chúng ta đã từng sống thật như thế. Coetzee cũng không thích uống vang. Chính xác là ông không thích uống chất có cồn. Nhưng ông đã hư cấu về sống thật. Dù sao, có nhiều người Tây quan tâm và thậm chí hốt hoảng vì sự bất tỉnh của cô gái. Họ đã gọi số điện thoại khẩn cấp và tiếp tục hốt hoảng. Ông chủ nhà hàng đương nhiên hốt hoảng hơn cả, và tóc ông ta thì không thể ngắn và thưa hơn vào lúc đó. Nhưng cuối cùng cô gái vẫn được đưa đi. Chỉ có anh và em là nhận ra cô ta chỉ muốn ngủ một giấc ngắn trong sự bình an hiếm hoi của một thời sống thật.
Ký ức của ly rượu vang và cô gái hôm xưa đó càng cho thấy sự nhỏ nhoi và khiêm tốn của thư viện. Bước vào thư viện, anh tìm những đầu sách về một ngã ba. Nếu em còn đến đây, chắc chắn em sẽ đi bên cạnh anh và giúp anh bê chồng sách. Anh đi bên trong thư viện như đi giữa hẻm núi ở vùng Tam Biên. Không còn thời gian và những khái niệm gì khác nữa. Thực ra, em và thư viện đều là những khái niệm tồn tại trong một vũ trụ có mốc thời gian khác với lúc anh đang tìm những cuốn sách hôm nay.
Nếu đọc kỹ, những độc giả ở thư viện sẽ thấy tất cả những gì viết trong sách đều có nhiều chỉ dấu được mã hóa bên trong về lịch sử một thư viện. Những nhà nghiên cứu có thể chắp vá và xâu chuỗi những bí mật này lại để phục chế được câu chuyện hoàn chỉnh. Nhưng nếu nghĩ kỹ, lịch sử này không nên được dựng lại đầy đủ. Nó nên được lãng quên và chôn vùi dưới kho lưu trữ thứ cấp của một nơi đóng vai trò lưu trữ như thư viện. Hơn nữa, thư viện hôm nay cũng đang dần bị vùi chôn bởi những thành tố đô thị cao và vuông, và càng ngày càng vuông và cao hơn.
Thật may mắn cho em, em không có ở đây để mục kích mọi sự diễn ra với thư viện của thành phố chúng ta. Nếu thấy, em sẽ không giấu nổi nước mắt cũng như em đã từng khóc khi thấy màu xanh của bầu trời vùng Viễn Tây bị xé nhỏ và bị pha loãng mất màu xanh khi những tri kiến mới xâm chiếm tâm trí đang trưởng thành của em. Thật may cho anh, anh đã không ở đó để được trưởng thành và lớn khôn như em. Chúng ta đã từng ngồi bên nhau trong một thư viện của thành phố nào đó, và nói với nhau những câu vô thanh và viết cho nhau những tờ note vô hình. Chúng ta đã nổi loạn cùng nhau trong một thư viện. Anh đã lần đầu hôn em, và em lần đầu nhổ toẹt để phản đối anh như một sự nhổ toẹt lên cái tầm thường của những quan niệm phổ biến và những áp lực rởm đời.
Không sao em à, dù sao thư viện hôm nay vẫn còn màu xanh. Anh vẫn có thể ngồi đó để lần giở những trang ký ức của một ngã ba trong lịch sử.
***
Trang sách hôm nay có màu vàng của một hàng cây đô thị. Màu vàng đó hiển lộ một lịch sử của thành phố sắp thay lá để chuẩn bị cho một mùa đông. Dưới vực sâu ở phía tây Đak To là những vũng có màu máu sắp bị đông cứng khi mùa đông tràn tới. Tiếc là khi đó hàng cây sẽ không còn. Màu vàng của trang sách do đó chỉ đóng vai trò như màu vàng đèn giao thông. Hãy tăng tốc và bỏ lại màu vàng ở phía sau! Lịch sử của đô thị không có chỗ cho sự lưỡng lự. Chỉ có màu vàng ủ dột nhưng âm ỉ một hy vọng trở mình trên trang giấy bừng sáng trong thư viện hôm ấy.
Thư viện mà anh đang nói đến đã đứng đó hàng ngàn năm. Chính xác, vào năm 300 Trước Công Nguyên thư viện đã bắt đầu nói về những hàng cây. Cũng như bây giờ anh đang nói với em về một mùa đông. Em thì tiếp tục nói với anh về lịch sử thư viện.
Anh biết không, em kể, thư viện đã được những người Macedonia xây lên bên bờ Địa Trung Hải sau những bước chân chinh phục của Alexander Đại Đế. Nữ hoàng Cleopath chính là hậu duệ của Ptolemy, một vị tướng gốc Macedonia trong đoàn quân của Alexander. Khi nữ hoàng tự sát, triều đại Ptolemy thống trị Ai Cập chấm dứt, thư viện đã đứng đó gần ba trăm năm. Khi thư viện đứng đó, nhưng bị vùi lấp dưới nhiều cơ tầng lịch sử và đất đá, thì những cuộn giấy papyrus chất đầy thư viện vẫn tiếp tục lưu giữ lịch sử về một thời vàng. Em biết về màu vàng này, vì em thấy nó trong đôi mắt anh. Màu vàng của ánh đèn thư viện ngày hôm nay phản chiếu từ trang sách vàng vào mắt anh, khiến đôi mắt anh nhìn vàng cũ kỹ và vàng buồn bã. Tại sao không ai hiểu được vẻ đẹp của màu vàng này? Đó cũng là một đề tài em đang nghiên cứu. Một trong những lý do em vẫn không thoát ra nổi thư viện của ngày hôm nay.
Euclid, Ptolemy, và những học giả lỗi lạc khác của lịch sử, đã tìm đến và lạc lối trong thư viện ở thành phố mang tên kẻ chinh phạt năm đó: Alexandria. Họ vẫn không thoát ra được thư viện. Nhưng tên tuổi của họ đã mãi mãi nằm lại với lịch sử. Như vậy, sự liên quan giữa thư viện và lịch sử là gì? Anh à, em đã viết xuống ý này hàng trăm lần, nhưng vẫn chưa tìm được câu trả lời trong hàng ngàn vạn cuốn sách chồng chất theo đủ chiều không gian trong thư viện.
Em kể tiếp. Thư viện năm đó là đại diện huy hoàng của một nền văn minh rực rỡ thời cổ đại. Phía bên này và bên kia của Địa Trung Hải là những thư viện khác của những nền văn minh khác. Nhưng ít ai biết, bên trong thư viện là một đường hầm bí mật, đúng hơn là một địa đạo, liên kết toàn bộ các thư viện với nhau. Những kẻ bị lạc trong thư viện thật ra đều là những du kích của lịch sử. Em vẫn chưa tìm ra cách để gia nhập bọn họ. Có lẽ phải chờ một cuộc lật đổ, một đợt xâm lăng khác, như khi binh đoàn La Mã của Julius Ceasar từ bên kia Địa Trung Hải tràn lên xứ Ai Cập, thì em mới có cơ hội xâm nhập vào cộng đồng những người bị lạc lối trong thư viện. Hy Lạp thay thế Ai Cập, rồi La Mã thay thế Hy Lạp. Lịch sử của Ai Cập, cuộc đời của Cleopath, phả hệ của dòng Ptolemy, gốc gác Hy Lạp của nó, và những dây mơ rễ má của lịch sử cổ đại chính là một mê cung chỉ có một mục đích duy nhất là che giấu và bảo tồn thư viện.
Có lẽ anh sẽ ngạc nhiên khi biết những người Ptolemy có truyền thống hôn nhân cận huyết. Đó là lý do hàng trăm năm nắm quyền xứ Ai Cập là những chuỗi ngày chém giết, sát phạt lẫn nhau giữa những người cùng huyết thống để tranh giành quyền lực. Cleopath là hậu duệ cuối cùng của một họ tộc uy quyền nhưng tồn tại nhờ chém giết lẫn nhau. Em đã đọc được điều này trong thư viện. Lúc đó, anh đang nghiên cứu về một ngã ba. Có lẽ cũng có những chém giết trong lịch sử mà anh đang theo đuổi. Cả hai chúng ta, anh và em, đều là nạn nhân của lịch sử, và bị mắc kẹt trong số phận của những kẻ tị nạn chiến tranh phải tá túc trong thư viện. Chiến tranh vẫn diễn ra ngoài kia. Không ai dám chính thức nói lên điều đó, vì họ sợ bị đuổi ra khỏi thư viện. Nếu em là em của mười năm về trước, em sẽ nhổ toẹt lên những điều luật của thư viện. Nhưng giờ đây, em chỉ muốn được ngồi đây để tiếp tục nghiên cứu về số phận của dòng họ Ptolemy và lịch sử thực sự của thư viện đã đứng vững hàng ngàn năm trên một bán đảo bên bờ đông nam của Địa Trung Hải. Em phải nghiên cứu, vì thư viện có thể sụp đổ bất cứ lúc nào vì những thành tố vuông vức, to lớn, và sắt lạnh ngoài kia.
***
Ngã ba biên giới, vùng Tam Biên đã trở thành một đống tro bụi sau đám cháy của lịch sử. Thực ra tất cả cây đã bị cháy trụi từ hai ngàn năm trước, lúc thư viện Alexandria vẫn còn đứng hiên ngang trên bờ Địa Trung Hải, bên cạnh ngọn hải đăng là một trong những kỳ quan của thế giới cổ đại. Cây hai ngàn năm trước chính là tổ tiên của những hàng cây hôm nay, như người Macedonia ở Hy Lạp là tổ tiên của Cleopath, nữ hoàng xứ Ai Cập.
Anh chưa kịp hoàn thành nghiên cứu về ngã ba biên giới, thì ngã ba đã không còn nữa. Tất cả những biên giới đã bị vượt qua. Sau đó thì không còn biên giới. Căn cứ Tân Cảnh ở Đak To và những căn cứ hỏa lực Đak To 2, sân bay dã chiến, trại Bến Hét ở phía đông vùng Tam Biên, toàn bộ đã thất thủ và bị tràn ngập. Giữa những xác chiến xa M-41 bốc khói, lịch sử chạy nạn về phía đông qua Đak To, vượt lộ 30 cây số về hướng nam đến tỉnh lỵ Kon Tum, rồi ùn ứ theo Quốc lộ 14 về Pleiku, chạy xuống duyên hải. Đó là một thời gian lộn xộn của tháng Ba. Ngày tháng dồn lại, mắc kẹt vào nhau. Sự kiện này cúp đầu sự kiện khác trên độc đạo của lịch sử. Chỉ có đoàn người là kéo dài đến vô tận. Em cũng chạy giữa đoàn người đó. Em ẵm đứa con của chúng ta. Gương mặt em lo lắng và hốt hoảng. Những dòng nước mắt lăn trên má em khi những cột khói bốc cao hơn trên bầu trời cao nguyên, dưới hàng cây vàng lá sắp bước sang mùa đông của không-còn-gì, và bầu trời thì không còn màu xanh như bầu trời năm nào chúng ta từng theo đuổi.
Anh ghi lại những dòng này mà không còn sự đối thoại của em. Anh đã lạc em như hàng cây lạc mất người khách độc hành trên con đường mưa một chiều thu vắng lặng. Hàng cây buồn cho những người khách độc hành khác, nhưng cũng buồn cho chính bản thân hàng cây. Không còn hàng cây và màu vàng của một thời lịch sử từng làm ố vàng những bức tường và các bức họa đồ sộ trong thư viện.
Không còn em. Em đã từng nằm cạnh anh như một chú gấu. Trời lành lạnh của một thời và một vùng đất nào đó vẫn còn thấm từ da thịt em qua da thịt anh. Gió Santa Ana cũng chết chóc như gió Lào, thổi tung những ký ức cuối cùng xuống vực thẳm giữa hai khe núi của dãy Hỏa Tiễn. Gió vùng vịnh của thành phố yên bình nơi đất nước Dưới Dưới, một vùng ký ức xa xăm mà ngọt ngào khác cũng hay làm anh rợn lên như thế. Gió thấm vào xương sau khi chảy tràn qua lớp thịt. Dòng người chạy nạn cũng tràn qua như thế. Pháo vẫn rót xuống. Những tiền sát viên pháo binh chính là kẻ soát sổ sách nơi ngã ba. Phía này là lên thiên đường, phía kia là xuống địa ngục. Anh đã tình cờ biết được chi tiết này khi nghiên cứu về ngã ba.
Đó là những ngày đầu của tháng Ba. Hoàn toàn không phải mùa thu. Cái lạnh cao nguyên chưa bao giờ là kẻ sát nhân. Nhưng giờ đây, gương mặt em lộ vẻ thất thần như một kẻ biết mình sắp phải đối mặt với cái lạnh cao nguyên sau khi hàng cây bị cơn gió quét đi mãi mãi. Em ngồi đó, trên chiếc trực thăng di tản. Em đã được cứu. Đứa con của chúng ta em đã kịp mang theo. Đó là kết quả của những giao nhau của lịch sử, từ thư viện đến diễn đàn, từ những lầm lạc văn chương đến ngộ nhận về lịch sử, từ nhiều ngàn phút miễn phí điện thoại của mùa đông đến mùa hè nắng khô cháy của xứ Dưới Dưới, từ những phi vụ thả toán của biệt kích Lôi Hổ đến những pha triệt xuất chết người ở vùng căn cứ hậu cần 609 vùng Tam Biên. Đứa bé không có tội. Nhưng em vẫn khóc, và cái chết của thư viện chính là cú sốc cuối cùng mà em phải chịu trước khi trở thành một người tự do. Dưới kia, phi trường Phụng Dực vẫn chưa buông súng. Biệt động quân vẫn luồn lách để cứu gia đình vị tướng thay vì cứu dân và tái chiếm Ban Mê Thuột. Tất cả những mỉa mai và bi kịch rồi sẽ chấm dứt. Sự đau khổ và lạc lõng của những kẻ bị nhốt trong thư viện rồi cũng sẽ chấm dứt. Thư viện đã thực sự chết hay sẽ được tái sinh, anh không thể biết. Chỉ có người thực sự mục kích và tham dự vào cái chết của thư viện mới có thể xác nhận. Mà ngay cả câu chuyện của người đó, là em, cũng chỉ được xem là tư liệu thứ cấp. Lịch sử không có chữ nếu, chỉ có những tư liệu thứ cấp của những kẻ thích kể chuyện và háo danh. Lịch sử của một thư viện càng không. Alexander Đại Đế đã chọn nơi dựng lên thư viện đầu tiên. Ngay cả chi tiết đó cũng chỉ là một huyền thoại, không được tìm thấy trong bất cứ tư liệu gốc nào còn lưu lại. Như vậy, giữa anh và em thì còn gì có thể được lưu lại. Anh chỉ biết em đã khóc và gương mặt em có lẽ thất thần và hoảng loạn lắm vào ngày hôm đó. Anh bất lực như một thời đại bất lực trước sự mất tích của những trang sử và tư liệu gốc. Thư viện còn lưu giữ chúng hay không, chỉ có những kẻ đang xây lên những thành tố cao lớn, vuông vức và sắc lạnh ở giữa đô thị mới có thể trả lời.
Tuy vậy, lịch sử sẽ thay đổi và vượt lên khi có những phát hiện về khảo cổ mới. Rất tiếc, thư viện đã chìm quá sâu trong nhiều lớp đất đá của đô thị. Những thành tố lạnh và vuông càng ngày càng cao hơn. Không còn hy vọng gì cho những kẻ khảo cổ đang cố tìm dấu tích của thư viện hoặc bất cứ hàng cây nào. May mắn thay anh đã tìm ra tấm hình của em lúc vừa được cứu lên trực thăng vào phút cuối. Anh đã giữ nó trong nhiều chục năm. Giờ đây, anh vẫn tiếp tục viết xuống những đối thoại và hoài niệm của riêng hai chúng ta, em và anh.
Lê Khải Việt
2020