The Mountains Sing – Nguyễn Phan Quế Mai

The Mountains Sing - Nguyễn Phan Quế Mai, Algonquin Books, 2020

Đó là một loài chim của núi. Khi núi không còn thuộc về đại ngàn và mẹ thiên nhiên, loài chim có những tiếng hót lạ lẫm. Có khi nó cất cao tiếng xé lòng sơn nhân, có khi nó dịu giọng như thì thầm an ủi kẻ lạc đường, những lúc khác loài chim núi vẫn hát giọng hát ôn tồn và trầm tĩnh của mẹ thiên nhiên.

Đó là một loài chim đã quen với sự khắc nghiệt của tạo hóa, đã từng thoát khỏi cạm bẫy của cái ác. Khi núi rừng không hề yên tĩnh mà luôn gầm thét, dữ dội, loài chim không ngờ nó đã trở nên mạnh mẽ hơn từ lúc nào. Chim vượt qua những con thú ăn thịt, thoát khỏi nanh vuốt của loài quỷ dữ. Từ hành trình của loài chim này, con người bỗng thấy mình nhỏ bé. Loài chim không hại ai, nhưng con người thì có. Đứng trước mẹ thiên nhiên, con người vốn lớn hơn con chim, đã phải phủ phục và chịu thua một sinh vật tầm thường. Đó là bài học cho con người, hãy quên đi những hận thù, hơn thua, chém giết, hay là bài học cho loài chim, luôn tìm cách tiến hóa, mạnh mẽ hơn, để tiếp tục sống còn?

Khi một dân tộc trải qua những khổ nạn và đọa đày, người ta nhìn về phía một con chim, đang ca hát tự do và vô tư trên một triền dốc núi rừng nào đó, số phận một dân tộc rồi sẽ bay cao như loài chim kia lát nữa đây sẽ vỗ cánh bay về trời?

Khi một dân tộc không hát được những lời đẹp đẽ và thoát tục của loài chim, dân tộc còn lẽ sống nào khác ngoài tự nhìn vào trong chính mình, phân tách bản thể, đốt đuốc nội tại? Từ đó, có lẽ họ sẽ thấy được những gì còn lại sau đợt chắt lọc của tạo hóa: gia đình.

Ba thế hệ gia đình đã trải qua chiều dài lịch sử của núi, nơi con chim từng trú ngụ. Ở đó, có những điên loạn, hận thù, và bạo lực. Cải cách ruộng đất, chiến tranh Đông Dương lần thứ hai, thời bao cấp, trôi qua như một dòng sông bị chặt khúc bởi nhiều ghềnh thác. Dòng nước chảy mạnh và xiết, cuốn theo những điều yếm thế và sự ngây thơ. Giờ đây, người ta mới thấy rõ loài chim là đại diện cho những người đàn bà với những số phận khác nhau trong thời chiến loạn, nhưng đều có một điểm chung, họ luôn phải gánh trên vai sức nặng của thời đại. Bà Diệu Lan, cháu gái Hương, người mẹ bị mất trí, mỗi người đều phải hát một giọng riêng, như loài chim trước sức nặng của đại ngàn khắc nghiệt. Từ đó, mỗi người sẽ thoát ra, nhìn lại, và vỗ cánh rời núi rừng một cách khác nhau. Vì dù sao, cuộc chiến và thân phận của một dân tộc đã để lại những vết thương khác nhau trên cơ thể cũng như tiếng hát của mỗi con người, hay con chim.

Một tiểu thuyết được cân nhắc rất kỹ về cốt truyện. Điều này khiến câu chuyện thực sự tự nhiên và hấp dẫn. Chắc chắn, Nguyễn Phan Quế Mai khi viết đã hướng cuốn sách đến độc giả quốc tế. Tuy vậy, tác giả chắc chắn đã phải rất khó khăn với những chọn lựa: góc nhìn của tác phẩm, vị thế của người viết, mức độ dấn thân và tiếp cận sự thật của ngòi bút trước những rủi ro của kiểm duyệt và những thứ tế nhị khác.  

Không nghi ngờ gì khi nói tác giả đã tính toán và chắt lọc rất kỹ để câu chuyện luôn cân bằng, để bối cảnh lịch sử phía sau diễn ra một cách công tâm nhất. Tuy vậy, một điểm nhỏ thôi. Có tình cờ không khi trong những tiểu thuyết nổi nhất lấy bối cảnh chiến tranh Việt Nam, như Nỗi Buồn Chiến Tranh, The Sympathizer, The Mountains Sing, luôn có người phụ nữ nào đó bị phía quân miền Nam hiếp dâm?  

Dù sao đi nữa, The Mountains Sing đã và đang là tiểu thuyết thành công nhất của một tác giả người Việt lớn lên trong nước, nếu xét về khía cạnh bán chạy và nổi tiếng. Nếu xét trong số tác giả gốc Việt trên toàn thế giới, cuốn sách này chỉ thua The Sympathizer của Viet Thanh Nguyen và On Earth We’re Briefly Gorgeous của Ocean Vuong về số lượng bán. Rõ ràng, cuốn sách đầu tay bằng tiếng Anh này là một thành công rất đáng chú ý của tác giả Nguyễn Phan Quế Mai.

Mình đã đọc cuốn sách từ đúng một năm trước. Từ đó đến nay, khi tác giả đã hoàn tất bản thảo của cuốn sequel, thì The Mountains Sing rất ít khi được giới đọc sách trong nước nhắc đến. Có lẽ điều này cũng cho thấy một cái gì đó hơi thiếu lành mạnh và bất bình thường.

Somehow I was sure that if people were willing to read each other, […] there would be no war on earth.

LKV

13.6.2021

Published by LKV

Reader. Slacker.

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

%d bloggers like this: