Chúng ta đều biết về chiến lược “con nhím” của Pháp, xây dựng tập đoàn cứ điểm với hệ thống phòng thủ chặt chẽ để nhử quân Việt Minh tấn công số đông, rồi dùng hỏa lực pháo binh và không quân vượt trội để tiêu diệt. Chiến lược này thành công ở trận Nà Sản vào năm 1953, tạo tiền đề cho tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
Nhưng tại sao là Điện Biên Phủ? Nhiều nguồn cho rằng quân Pháp muốn chặn đường tiếp vận của Việt Minh sang Lào.
Đúng là giữa năm 1953, Việt Minh đã tấn công sang Thượng Lào theo ít nhất 2 hướng. Một theo đường số 6 từ Sơn La đánh qua Sầm Nứa, hai theo đường số 7 đánh qua Nong Het, qua Cánh đồng Chum. Cả 2 cánh đều hướng đến Vạn Tượng (Luang Prabang, thủ đô Lào). Sau đó khi bị quân Pháp và biệt kích Mèo phản công, rồi bị mất tiếp vận, quân Việt Minh rút về theo hướng cũ. Cả 2 hướng này đều không dính dáng gì đến Điện Biên Phủ, vốn nằm phía Tây Bắc của Sầm Nứa hơn trăm cây số, và thuộc tỉnh Lai Châu, cách xa đường 6. Như vậy Pháp đặt căn cứ ở Điện Biên Phủ không phải để chặn đường tiếp vận nào của Việt Minh.
Theo một nguồn, tướng Cogny tư lệnh vùng đồng bằng miền Bắc đã đề xuất Điện Biên Phủ, nhưng chỉ như một căn cứ hạng nhẹ để quán xuyến khu vực chung quanh. Chính tư lệnh Navarre đã chọn Điện Biên Phủ để biến thành một tập đoàn cứ điểm, bất chấp sự phản đối của tất cả thuộc cấp trong ban tham mưu. Người ta chỉ ra Điện Biên Phủ có địa hình bất lợi để áp dụng chiến thuật “con nhím” như ở Nà Sản. Rõ ràng, Điện Biên Phủ không có ưu thế về mặt quân sự đối với Pháp lúc ấy, và người ra quyết định này phải có một mục đích gì khác.
Graham Greene, nhà văn nổi tiếng đã có thời gian sống và làm gián điệp ở Việt Nam những năm 50, đã viết rất nhiều về Điện Biên Phủ. Nhưng chính ông đã thắc mắc (được trích trong cuốn sách về Phạm Xuân Ẩn của Thomas Bass), điều bí ẩn nhất cho đến ngày hôm nay là TẠI SAO lại có trận chiến này? Rất khó hiểu khi quân Pháp chọn địa điểm này, và là một địa điểm rất khó để phòng thủ.
Cần biết Điện Biên Phủ nằm trên đất của Liên bang Thái tự trị gồm 3 tỉnh Tây Bắc do Pháp cắt cho gia tộc họ Đèo do Đèo Văn Long, một người Thái trắng đứng đầu vào sau Thế chiến thứ 2. Khu vực này từ lâu đã được gọi là Xứ Thái, do Pháp phong cho Đèo Văn Trị, cha của Đèo Văn Long cai quản từ cuối thế kỷ 19.

Theo Alfred McCoy, một nhà nghiên cứu táo bạo, Đèo Văn Long là đồng minh lâu năm của Pháp. Không những thế, ông này còn đóng vai đầu nậu thu mua hoa anh túc để bán lại cho Pháp. Số hoa anh túc thô này sẽ được chở về Vũng Tàu để bào chế thành á phiện, rồi sau đó bỏ cho thủy tặc Bình Xuyên phân phối ở khu Chợ Lớn. Đây là một nhánh trong đường dây sản xuất và tiêu thụ thuốc phiện do chính phủ Pháp duy trì từ trước Thế chiến thứ 2. Sau Thế chiến, chính phủ Pháp phát động phong trào bài trừ thuốc phiện và cắt đứt đường dây này. Nhưng tình báo Pháp thuộc quân đội, cụ thể là cơ quan SDECE, thông qua lực lượng gọi là Liên đoàn biệt kích dù hỗn hợp đã ngay lập tức tiếp quản đường dây thuốc phiện này. Chiến phí của 9 năm chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất của Pháp được trang trải từ nguồn thu thuốc phiện trên.
Bên cạnh vùng Cánh đồng Chum ở Lào và vùng Tam giác Vàng (lúc này quy mô vẫn còn yếu) thì khu xứ Thái là nơi có sản lượng hoa anh túc rất cao, đem lại nguồn lợi lớn cho quân đội Pháp. Do đó, có thể hiểu được khi Pháp quyết định đặt tập đoàn cứ điểm ngay tại Điện Biên Phủ, thung lũng lớn nhất của Liên bang Thái tự trị, nơi chiếm 13% sản lượng hoa anh túc và 30% sản lượng lúa của toàn liên bang. Bên cạnh đó, Điện Biên Phủ có thể xem như một tấm khiên để bảo vệ đồng minh Đèo Văn Long.
Tuy nhiên, sai lầm chính của Pháp dẫn đến thất bại chung cuộc tại Điện Biên Phủ là họ đã không nắm rõ tình hình ở đây. Đèo Văn Long và nhóm Thái trắng tuy nắm quyền nhưng chỉ chiếm thiểu số trong khu liên bang, bên cạnh nhóm Thái đen đông hơn, và 50 ngàn người Mèo. Những người Mèo, sắc dân được biết đến rộng rãi hơn ngày nay như người H’Mong, sống ở triền núi, có lối canh tác thích hợp cho việc trồng hoa anh túc ở vùng Tây Bắc. Chính những người Mèo trồng hoa anh túc và cung cấp phần lớn sản lượng của khu Xứ Thái. Đèo Văn Long từ khi được giao quyền quản lý Liên bang Thái tự trị đã dùng quân đội địa phương người Thái đàn áp và ép giá hoa anh túc từ người Mèo. Người Mèo ở vùng Tây Bắc nhận giá thấp hơn mười lần so với giá thị trường, mà không có lựa chọn khác. Do đó, trong hơn mười năm sống dưới sự quản lý của Đèo Văn Long, người Mèo đã quá bất mãn và dần bỏ sang cảm tình Việt Minh.
Chính sự ủng hộ của người Mèo sống chung quanh triền núi của thung lũng Điện Biên Phủ đã góp phần lớn vào thất bại của quân Pháp trong trận này. Tướng Võ Nguyên Giáp đã viết về hàng ngàn người Mèo hỗ trợ thồ hàng, tiếp vận trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Người Mèo địa phương nhiệt tình hỗ trợ do thám, chỉ điểm hệ thống phòng thủ của Pháp. Đại tá Trinquier, chỉ huy lực lượng biệt kích dù hỗn hợp gồm phần đông người Mèo ở Lào đã gửi hơn 5 đội biệt kích thâm nhập vào hậu phương quân Việt Minh, nhưng đều bị người Mèo ở Tây Bắc phát hiện và bắt được.
Tóm lại, qua các nguồn của Bernard Fall, Phillip Davidson, và các sách khác được trích dẫn nhiều, khó có thể kết luận tại sao Pháp lại chọn Điện Biên Phủ. Như Graham Greene cho biết, sau trận chiến quân đội Pháp đã họp để tìm nguyên nhân thất bại và cũng không trả lời được tại sao ngay từ đầu lại chọn địa điểm và cách đánh “con nhím” này. Thông tin từ cuốn sách của Alfred McCoy có thể cho một cách giải thích khác, khá thú vị tuy cũng chưa vững vàng lắm cho câu hỏi Điện Biên Phủ.
LV (2019)