tạp bút [vi]

Adriaen van der Werff, 1716

Nhiều người nghĩ tôi chính là tác giả của Trường Ca. Vào thời Hy Lạp cổ đại, người ta đã bắt đầu chép thơ của tôi xuống. Đơn giản vì trước đó chưa có chữ viết. Giai đoạn đỉnh cao của kinh thành Athens cũng chính là lúc thơ dưới tên tôi, mà người ta nghĩ chính là của tôi, bán được nhiều nhất. Tên tôi được nhắc đến trong nhiều danh sách bán chạy. Đó là thời Cổ điển, mà tôi hay gọi là thời Nhất đẳng. Vào thời Hy Lạp Nhất đẳng, danh sách bán chạy được khắc tỉ mỉ trên những phiến đá nhỏ, mà hai ngàn năm sau nhiều người sẽ đào lên được từ một phế tích khảo cổ.

Nhiều người nghĩ tôi chỉ là kẻ làm công việc thu thập những câu chuyện truyền miệng và viết xuống thành Trường Ca. Từ đó, người đời sau sẽ biết đến Trường Ca với chỉ một cái tên. Trong khi thực tế những câu chuyện xuất phát từ nhiều dân tộc và nhiều thời đại khác nhau. Không chỉ một tác giả. Hầu như không còn tên tác giả. Cũng có thể tác giả chính là tất cả, là nhân dân, là cộng đồng. Vì căn bản, câu chuyện truyền miệng không thể nào toàn vẹn và bất biến. Theo nghĩa đó, tác giả chính là phi tác giả, là không ai cả. Dù sao đi nữa, không ai có thể kiểm chứng được gì. Vì tất cả những di chỉ và chứng cứ cần thiết đều đã trở thành bụi cổ điển của lịch sử cổ đại.

Nhiều người nghĩ tôi đã sống vào những năm 700 Trước Công Nguyên. Không sao cả, tôi nghĩ. Vì thực ra điều đó không quan trọng. Những gì Trường Ca kể lại, đó mới quan trọng. Và cho dù nó thực sự được viết lúc nào, dựa trên những sự kiện đương đại nào, ám chỉ điều gì về siêu nhiên và con người, đều không quan trọng, đều không có sức nặng gì so với ngay cả một kiến trúc cổ điển có 70 cây cột được xây trên một diện tích khiêm tốn nhất.

Nếu tôi còn sống, người ta sẽ ngạc nhiên khi biết Homer còn sống.

Vì tôi chính là người mà người ta hay đồn đoán, và gọi là: Homer.

Nếu tôi còn sống.

Có lẽ tôi sẽ ngạc nhiên khi biết người ta vẫn đọc và nghiên cứu tôi mấy ngàn năm sau. Như đúng lúc này đây, ở hiện tại, trên bàn của một thanh niên tuổi đôi mươi đang đặt trang trọng cuốn Trường Ca.

Nếu tôi còn sống, tôi sẽ tìm cách trò chuyện với người thanh niên. Thưa anh, tôi muốn nói thế này. Cuốn sách anh đang cầm trong tay, và có thể đã nâng niu nó như một cô gái, hay thân mật hơn, như một người tình, nó không phải là cuốn sách do tôi viết. Không hoàn toàn của tôi. Đó là một bản dịch của một phiên bản của một dị bản của một lạc bản mà người ta chép lại từ một bản dịch tiếng Arab mà bản thân bản dịch này cũng đã chứa nhiều thay đổi và tình tiết mới so với phiên bản tiếng Latin mà những người Thổ đã lấy được ở kinh thành Đế quốc La Mã phía Đông hay còn gọi là Byzantine vào thế kỷ thứ, bao nhiêu nhỉ, và sau đó dịch ra để những người Hồi giáo sống ở bên này bán đảo Tiểu Á đọc. Ở chính nơi đó, vào hai ngàn năm trước, tôi đã sống và viết như một kẻ mà sau này trong chính Trường Ca người ta gọi là vị thần. Tại sao là viết, chứ không phải hát lên, như cái cách mà Trường Ca ra đời, khi chưa có chữ viết? Đơn giản vì lúc tôi còn sống, nhân loại đã có chữ viết. Và nơi tôi ở, người ta đã sử dụng chữ viết Hy Lạp. Đó là ngôn ngữ mà lịch sử về sau gọi là Hy Lạp phía đông, nó xuất phát từ bảng chữ cái Phoenicia của một nền văn minh dọc bờ tây dải đất mà người ta hay gọi là Syria.

Nếu tôi còn sống, tôi sẽ xin đính chính với anh rằng, tôi không phải Homer. Ý tôi là, đó không phải tên cúng cơm của tôi.

Nếu tôi còn sống, có lẽ tôi sẽ cho anh biết năm 700 Trước Công Nguyên chúng tôi đã có chữ viết. Thật ra là trước đó rất lâu.

Nếu tôi còn sống, và ở độ tuổi đôi mươi như anh, thế giới của tôi sẽ không tồn tại những vị thần. À, anh muốn nói gì, thế giới của anh cũng không hề có những vị thần? Không, không, anh phải hiểu rằng, những vị thần là yếu tố bắt buộc của sự sống. Đó là lý do tôi muốn ví von rằng giả sử thế giới này không có họ. Vì thực tế là họ không bao giờ không tồn tại. Đó là chân lý. Nhưng tôi muốn hướng đến một thế giới khác, mới hơn, thế giới dũng cảm và mới hơn. Vì vậy tôi mới dám nghĩ là không còn những vị thần. Đó là mặc định và thiên kiến của thời đại tôi sống. Tôi muốn phá đi. Tôi hiểu anh sẽ thấy rất phản cảm. Nhưng hãy chậm lại và ngừng phản biện một vài phút. Anh sẽ thấy đây là một cơ hội tốt. Tốt cho anh. Anh hãy dùng những giây phút hiếm hoi mà thế giới không còn thần linh để nghĩ về điều đó. Có lẽ thế giới mà anh sinh ra, lớn lên, và đang sống cũng có những vị thần nhưng họ ở một tâm thế khác, có những tên gọi khác. Có thể họ chính là những con người mà anh đang tôn thờ. Sâu thẳm bên trong, họ chính là những vị thần. À, thôi, bây giờ anh hãy thư giãn và cầm cuốn sách lên. Tôi thấy anh đang đặt quyển sách có tên của tôi trong một vị trí và hoàn cảnh quá sức trang trọng. Vào thời chúng tôi, những vật phẩm được hy sinh cho thần linh cũng được đặt trong một tư thế và một cung cách y như vậy. Đương nhiên sau đó, chúng tôi sẽ thiêu vật phẩm đó bằng ngọn lửa và đợi đến đêm để lẻn vào đền thờ cuỗm đi cái xác vật phẩm giờ đây đã chín và lớp da giòn đã đổi màu xám dưới bóng tối thiêng liêng của trí huệ thần linh. Chúng tôi sẽ ăn thịt của vật phẩm và nhắm với một loại rượu mà về sau thời đại của anh vẫn gọi là rượu. Chúng tôi sẽ say sưa và ca hát. Trong lúc ca hát, chúng tôi hát lại những vần thơ truyền miệng đã được hát trên vùng đất này từ nhiều thế hệ trước. Một vài khúc hát và vần thơ đó sẽ trở thành nhiều đoạn trong Trường Ca sau này. Sau khi say bí tỉ và những vị thần thắp lên nhiều ngọn đuốc trên nền trời đêm cổ đại, chúng tôi lặng lẽ ôm nhau ngủ, và có thể làm tình với nhau. À, nhưng tôi đã đi quá xa những gì cần nói với anh rồi.

Hãy quay lại với cuốn sách có tên Trường Ca. Anh hãy đọc nó đi, trong lúc anh nghĩ về Helen, đúng vậy, Helen của Troy. Helen là sắc đẹp chuẩn mực cổ điển của thời cổ đại và vẫn là thước đo về sắc đẹp trong thời Nhất đẳng.

Khi nhìn vào làn da và đôi mắt của Helen, một chàng trai sẽ rơi xuống, rơi thẳng xuống, rơi mãi mãi vào một hố xoáy của không gian và hướng về nơi thần Zeus cùng Hera ngự trị và đang soi xét thế giới từ bên ngoài và trên cao cùng lúc. Nhưng đó là ở thời cổ đại, bên trong lớp phép màu của thần thoại. Ở đây, chúng ta đang dựa trên những gì thực hơn.

Trong khi anh nghĩ về Helen, nếu anh đang ở một tư thế cụ thể trong cuộc sống khiến mọi việc chuẩn bị vỡ vụn ra và rơi vào cơn lốc hỗn loạn, anh sẽ thấy một Helen đẹp sắc sảo với cặp mắt tinh anh và hớp hồn như muốn nuốt tất cả vũ trụ vào trong, như đã từng nuốt trọn chàng Paris của Troy. Nhưng nếu trước mắt anh lúc đó là một thế giới quan trong sáng và xanh mát trải dài như tầm nhìn của loài chim thần từ một đỉnh cao nào đó của đảo Santorini, mà ở đó mọi thứ đều rõ ràng và trật tự, thì nàng Helen sẽ chính thức là một dòng suối mát thỏa mãn cơn khát và đưa anh lên thiên đường. Nếu nhìn kỹ hơn, anh sẽ thấy dòng suối xanh đó chính là làn da của Helen và cũng có thể là mái tóc êm đềm như suối của nàng.

Hãy nghe tôi nói thêm nào, anh bạn.

Helen chính là điểm khởi đầu mà tôi nghĩ sẽ đủ hấp dẫn để thu hút anh nhất. Vì Trường Ca là một thứ rất khó để nói về, hay để chìm vào, đắm mình trong đó.

Thực ra mà nói, Trường Ca là một câu chuyện, một thế giới đã trở thành kinh điển. Nhưng thử nghĩ mà xem, nếu không có bài thơ Cơn giận Achilles, sẽ không có Trường Ca, và sẽ không có Homer. Nghĩ xa hơn nữa, nếu không có Gilgamesh của nền văn minh Babylon, có thể sẽ không có Trường Ca. Vì Gilgamesh là cảm hứng cho Homer, ý là cảm hứng cho tôi. Và sau đó, nếu không có văn học thời Nhất đẳng và thời Helen, được nhiều người xem như đỉnh cao của văn minh Hy Lạp, thì Trường Ca và cái tên Homer liệu sẽ ở đâu trong dòng thác lịch sử. Để rồi vài trăm năm sau, những tác gia La Mã như Arrian, Lucian, hay Galen có tự nguyện chọn ngôn ngữ Hy Lạp vài trăm năm trước để viết xuống những tác phẩm kinh điển của mình, thay vì tiếng Latin giản dị, hoặc thay vì tiếng Hy Lạp cùng thời không? Cũng như bây giờ người Mỹ muốn cho sang thì nói giọng Anh đó thôi. Nhưng thôi, hãy bắt đầu câu chuyện của chúng ta. Khi tôi bắt đầu kể, anh sẽ thấy một kẻ phá bĩnh nhảy vào tranh giành với tôi. Tên của hắn hả, chính là Virgil. Rồi anh sẽ hiểu ngay thôi.

LKV

[trong một bản thảo nào đó đang viết dở]

Published by LKV

Reader. Slacker.

Leave a comment