Nam đã đi khắp thành phố. Anh thả bộ trên Đại lộ Hoàng Hôn. Bên trái là đường Lý Thường Kiệt, rồi đến đường Trưng Vương. Phía trước, đại lộ kết thúc trước khuôn viên nhà thờ Bình Long ở xa xa. Tượng Chúa Ky Tô Vua cao lừng lững, cô đơn giữa bãi đất trống. Cỏ dại che phủ nền chợ cũ bên trái.
Nam quay nhìn lại, cứ như Em đang lẽo đẽo đi theo. Nhưng con đường mờ mịt, trống vắng. Sau lưng Nam, không có người hay xe. Chỉ có đường đất đỏ âm thầm lên dốc chạy về hướng Quản Lợi.
Màn đêm buông xuống, Nam tiếp bước về phía trước. Bên phải Nam là trường tiểu học người Hoa. Ngôi trường mới xây, cao nhất thị xã. Nam đến chỗ bồn phun nước. Bên trái là dãy nhà mái tôn của trường Tiểu học người Thượng. Bên phải là cây xăng Shell lọt thỏm dưới tán lá rộng của hai cây lớn. Đó chính là điểm trung tâm. Từ đây người ta có thể theo đường Nguyễn Huệ chạy hướng nam, về Sài Gòn.
Giữa đêm nhá nhem, Nam thấy mình như kẻ mộng du.
Đó là thành phố mà Nam tái tạo. Mỗi ngày anh đều âm thầm vẽ lại, xây lên trong đầu. Nếu không làm thế, anh sẽ phát điên. Khi hoàng hôn, anh bỏ thành phố có thật và rảo bước khắp thành phố tái tạo. Thực tế, nó chưa bao giờ là thành phố. Cùng lắm đó chỉ là một thị xã, một tỉnh lỵ. Nhưng kẻ thực dụng nhất thì biết rõ, đó chỉ là một cái tên.
Tất cả đều đã quên cái tên này. Chỉ có Nam vẫn nhớ tên thành phố. Nhưng anh sẽ không bao giờ nói ra.
Nam cũng không thể quên Em. Em có một cái tên. Đối với Nam, Em là một ám ảnh còn lớn hơn ám ảnh với thành phố. Em đã bên Nam từ trước khi thành phố bị bao vây. Em đã lớn lên ở thành phố đó. Em từng dạy học ở ngôi trường tiểu học người Hoa. Những vết đạn lỗ chỗ trên tháp cầu thang khiến ngôi trường kiến trúc hiện đại chủ nghĩa nhìn tả tơi. Ký ức của Nam về Em cũng thế.
[Đã có lúc Nam từng quên hẳn thành phố và cả Em nữa.]
Sau nhiều năm trời tự huấn luyện đầy khắc khổ, anh ngỡ đã thành công. Như anh từng thành công khi xóa sổ tên thành phố. Đã không còn ai nhắc đến cái tên từ dạo đó.
Sau đó Nam buồn bã nhận ra, khi anh cố gắng quên Em, thành phố đã âm thầm xâm nhập anh. Hệ thống phòng thủ của anh đã hoàn toàn bỏ ngõ. Một ngày kia, áp lực của thành phố lên anh tăng vọt. Pháo đồng loạt khai hỏa vào các tiền đồn. Rồi thành phố xung phong tấn công tràn ngập anh.
Nam đã bị tái chiếm. Bên trong anh giờ đây là những con đường và dãy nhà, cả những hàng cây xanh um khi nhìn từ không ảnh. Ai đó nhìn anh từ xa và thấy ngay tấm bản đồ thành phố hiện ra. Đường xá và khu phố hiện lên như khung xương của anh trên nền phim X-quang. Trán anh chạy dòng chữ “Tổng Nha Điền Địa”. Dưới cằm anh in nhỏ hơn “Bản đồ – Tỷ lệ 1/10.000 – Tỉnh Bình Long”.
Thành phố đã ăn nhập vào anh sâu sắc và nặng nề đến thế.
Nam nhận ra anh chỉ có một lựa chọn. Do chỉ có một, đó không còn là lựa chọn nữa. Nam phải sống và chấp nhận thành phố.
Cũng như em từng là tất cả của Nam. Em là nguồn sống, là duy nhất. Vì thế Em và Nam đã từng đi qua nhiều thành phố khác nhau.
Ở mỗi thành phố, Em có một tên mới. Bề ngoài Em cũng khác. Nhưng điều đó không quan trọng.
Cuộc sống thị dân, khi người ta còn rất trẻ, đã biến Nam và em trở thành những chuyên gia về thành phố. Giờ đây chẳng cần cố gắng, Nam vẫn nhớ lại mọi ngõ ngách mà em và anh từng đi qua. Mỗi thành phố đều có những lối đi riêng. Chỉ cần tìm một ngõ nhỏ, rồi đi vào đó, thoát ra từ nơi khác, như vậy là đủ để bất cứ ai trở thành chuyên gia về thành phố. Em đã nói với Nam như vậy. Nam tin em, cũng như tin thành phố.
Thành phố đúng nghĩa là nơi khi bịt mắt lại đến một nơi, chỉ cần nghe cư dân ở đó nói chuyện, bạn có thể nhận ra đó là khu nào. Một tác giả đã viết như thế. Tất nhiên Nam không rành rẽ thành phố đến mức đó. Ngoài ra, với anh điều này thật phi lý. Vì thành phố của anh cho dù có mở to mắt vẫn không nhận ra nổi đâu là đâu. Chưa kể ở đó không thể tìm ra ai khác. Vì đơn giản tất cả là một bãi hoang địa. Ngay cả những đống gạch vụn cũng đã bị san phẳng.
Trận Chiến đã đưa thành phố của Nam về lại bản vẽ. Đó là trước khi Nam bắt đầu tái tạo tất cả.
Nhưng nếu không có Em, Nam đã không cần làm thế.
-*-
Một ngày kia, Nam gặp kẻ cũng ám ảnh về thành phố như anh. Mel, kỹ sư xây dựng, từng có mặt ở thành phố trước khi Trận Chiến nổ ra. Đương nhiên, lúc đó thành phố vẫn còn là một tỉnh lỵ. Cư dân địa phương ít ỏi như số nhà gạch trong vùng. Nhìn từ trên cao, khó ai nhận ra ranh giới của các đồn điền cao su bạt ngàn chung quanh.
Mel là nhân viên hợp đồng làm việc cho quân đội Mỹ. Công trình xây hoàn tất, ông rời tỉnh lỵ. Khi Mel quay lại, công trình đã bị san bằng. Tất cả còn lại là nền gạch và khung tường hình chữ nhật, vuông vức đến mức sòng phẳng như số phận của một thành phố bị bao vây và pháo kích.
Mel đã kể với Nam về thành phố. Nam hiểu đó là thành phố mà Mel tự tái tạo. Sau Trận Chiến, thành phố của cả Nam và Mel chỉ còn là bãi xà bần. Nhưng lý do mà Mel quay lại đây là gì, Nam vẫn chưa hiểu rõ lắm. Ban đầu, Nam cho là Mel đã bị Trận Chiến ăn vào người, như cách thành phố ăn vào người Nam. Nhưng sau đó, càng nghe Mel kể, Nam hiểu thành phố chỉ là một cái cớ. Cũng như Nam, Mel đã mất tất cả.
_ Chính xác vị trí công trình nằm ở đâu? Nam hỏi.
_ Tôi có chụp vài hình ảnh. Đây, anh xem.
Mel cho Nam xem hình. Những ngôi nhà giống nhau, mái lợp tôn, xếp thành hàng. Nhiều công nhân đội nón lá đứng lúp xúp. Công trình chính là Trung tâm tiếp liệu tỉnh lỵ, Mel nói.
Trong một bức ảnh, người chụp đang nhìn xuống dốc. Bên phải là dãy nhà, tọa lạc trên nền đất cao hơn con đường. Nền đất thoải xuống, lộ ra màu nâu đỏ đặc trưng của đất chứa oxit sắt nhôm. Dưới chân nền đất là rãnh thoát nước. Nhưng khi thành phố bị bao vây, ngay cả nước cũng không thoát ra nổi.
_ Hình này nhìn xuống dốc. Tôi nghĩ phía xa là khu đồng trống gần suối Quản Lợi. Như vậy ở đây gần phi đạo, đúng không Mel?
_ Gần phi đạo? Không phải đâu.
Mel kể cho Nam, đó là thời gian chiến sự căng thẳng. Quốc lộ 13 không an toàn. Ông bay từ Sài Gòn đến tỉnh lỵ bằng máy bay hai động cơ Dornier. Từ phi đạo đến công trình phải đi một đoạn xa.
_ Tôi sẽ xem lại không ảnh, phải tìm ra chính xác nơi đó.
_ Cám ơn Nam.
Mel không thể nhớ nổi vị trí của công trình giữa thành phố. Nhìn dáng vẻ ông già đã hơn 70 tuổi, tóc bạc và thưa, Nam nghĩ đến Em. Nếu còn sống, Em cũng trạc tuổi Mel.
Nhưng với Nam, Em luôn là một cô gái trẻ, thướt tha trong tà áo dài. Tà áo em không trắng cả con đường. Chỉ khi ở một thành phố thực sự, em mới tỏa sáng như thế. Còn ở nơi thành phố – tỉnh lỵ vắng vẻ chính giữa nơi không-có-gì này, tà áo dài như bị màu đất nhuốm vào.
Nam tưởng tượng anh đang đi bộ bám theo tà áo của em giờ tan trường. Con đường đất xuyên thành phố bỗng tối dần, mặc dù đang giữa trưa. Rồi bóng tối phủ lên tất cả, như khi Nam đang đi trên đại lộ Hoàng Hôn. Nam thấy em chìm dần, tà áo từ màu cà phê sữa ngã sang màu đất. Nam tăng tốc và bắt đầu chạy đuổi theo. Nhưng em đã lẫn màu với đất đỏ. Em biến mất trên con đường hun hút đầy bụi bởi những chuyến xe trên tuyến Sài Gòn – Bình Long.
Một nửa của Nam muốn hiểu về Em, như một người cùng thời. Đó là lý do anh tìm những người như Mel. Những người đã sống và trải qua. Lúc đó, thành phố là tỉnh lỵ. Nửa kia của Nam muốn sống với Em như một nàng thơ. Anh muốn dẫn Em từ thành phố này qua thành phố khác. Những nơi Em chưa được đến. Nam và Em đi qua những ngõ nhỏ, luồn lách giữa những ngôi nhà, thỉnh thoảng chui tọt vào một quán ẩn mình giữa con dốc, gấp gáp như để cắt đuôi một kẻ đeo bám nào đó. Nam muốn sống với nàng thơ như một thị dân. Lúc đó, thành phố là thành phố, không còn là tỉnh lỵ nơi vùng bình nguyên bạt ngàn cao su nữa.
-*-
_ Người ta vừa tìm thấy hai hố chôn. Đức Quốc Xã đã bắn họ và chôn xác ở đây. Sau đó rừng cây được trồng bên trên. Tất cả khoảng 8000 xác, ước lượng từ 17 tấn tro chôn dưới lòng đất.
Mel nhìn xa xăm khi nghe Nam nói. Đương nhiên, Mel hiểu về sự tàn ác của chiến tranh. Gia đình ông may mắn sống sót ở Ba Lan, nơi hai hố chôn vừa được tìm thấy. Nhưng tuổi thơ của Mel là ở Montana, Mỹ. Khi đặt chân đến tỉnh lỵ, màu xanh đen ảm đạm của rừng cao su xa xa khiến Mel nhớ về thị trấn trên đồi ở Montana. Đó là lý do Mel thấy gần gũi với thành phố này.
_ Cha mẹ tôi có thể cũng nằm dưới một cái hố như vậy. May là họ đã kịp thoát khỏi Warsaw.
_ Mel à, tôi có tin mới về Trung tâm tiếp liệu tỉnh lỵ.
Nam lôi bản đồ thành phố mà anh in khổ lớn từ hình lưu trữ năm 1967. Nam và Mel lần mò từng con đường, khu phố. Một tài khoản trên mạng xã hội cho biết rằng sau Trận Chiến, giữa cảnh tan hoang, công trình của Mel xây vẫn đứng vững. Bức không ảnh hiếm hoi nhá nhem đen trắng. Chính giữa bức ảnh là năm dãy nhà nguyên vẹn, đối diện sân vận động.
_ Ở đó, người ta đã đào một cái hố. Nam nói.
Mel nhìn Nam, dần hiểu ra gì đó. Cả hai chưa bao giờ nói với nhau về lý do đã đưa họ đến đây. Nhưng thành phố tái tạo đã gắn dính họ với nhau. Cứ như thành phố chính là số phận của cả Mel và Nam. Từ thành phố – tỉnh lỵ, trở trành không-có-gì, rồi phục sinh trên nền bản vẽ của Nha Điền Địa.
Nam nói tiếp:
_ Trước đợt hai của Trận Chiến, số tử thi ở nhà xác bệnh viện đã lên tới hàng trăm. Đại tá Điềm định đào một hố chôn tập thể trước trường Trung học tỉnh. Nhưng cấp trên không đồng ý. Số xác này cộng với hàng trăm xác khác khắp tỉnh lỵ được tập trung về. Họ đã chôn chung ở một bãi đất trống giữa Trung học Bình Long và Bệnh viện tỉnh.
_ Như vậy thì Trung tâm của tôi liên quan gì? Mel hỏi.
_ Sau khi lấp đầy hố này, vẫn còn quá nhiều tử thi. Họ quyết định chôn phần còn lại trong khuôn viên Trung tâm tiếp liệu tỉnh.
_ Đó là lý do anh muốn tìm địa điểm chính xác của Trung tâm?
_ Đúng vậy. Ông xem nhé?
Cả hai lại chụm đầu vào bản đồ. Ngón tay Nam dò theo dòng suy nghĩ, còn miệng anh lẩm bẩm. Đây là Trung học Bình Long. Bên kia đường là Bệnh viện tỉnh. Bệnh viện sau đó dời về hầm ngầm của Lực lượng Đặc biệt Mỹ. Theo đường Cách mạng 1.11.1963 về phía nam sẽ gặp Vận động trường Nguyễn Huệ bên tay trái. Bên tay phải là khu cư xá công chức.
_ Như vậy theo bản đồ này, khu đất trống trải duy nhất để xây trung tâm của ông chính là ở đây.
Nam chỉ vào bãi đất đối diện sân vận động về phía tây. Nằm phía nam khu cư xá. Lần đầu tiên, Mel biết được nơi đã khiến ông dính vào thành phố. Năm mươi năm sau, ít ra Mel cũng đã có câu trả lời nếu có ai hỏi. Nam nói tiếp:
_ Ở Ba Lan, người ta cần tám mươi năm mới tìm ra cái hố. Còn chúng ta cũng cần năm mươi năm!
Mel chợt thấy chính mình trên gương mặt Nam. Người thanh niên đang vui mừng như đứa trẻ. Mel cũng từng có lúc trẻ. Nhưng đã có quá nhiều thứ xảy ra. Kinh nghiệm khiến Mel không bao giờ xem thường một người trẻ. Một kẻ như Nam cũng có thể bị hủy hoại đến mức tàn tạ ở bên trong, như thành phố năm xưa.
Vì thế, thành phố tái tạo cần sự phối hợp, bổ sung cho nhau giữa những kẻ như Mel và Nam. Nhưng cái gì mang Mel trở lại đây, chỉ có trời mới biết. Vì thế, Mel không bao giờ hỏi về động lực của Nam.
-*-
Cho dù Mel hỏi, Nam sẽ không bao giờ cho biết lý do thực.
Chỉ biết Nam đang đi tìm địa điểm hố chôn tập thể. Đó là lý do anh rành rẽ về thành phố đến thế. Thành phố hôm nay không hẳn chỉ là một sản phẩm từ trí tưởng tượng của Nam. Nó được xây lại trên một cái nền vẫn còn nguyên vẹn.
Từ bức không ảnh trong tập hồ sơ hậu tác chiến, người ta dễ thấy những gì còn sót lại. Trường Tiểu học người Hoa là một kiến trúc còn đứng vững, gần như không suy suyển. Giữa đống đổ nát, tòa nhà màu vôi mới nhìn tươi mát như vẻ đẹp vô tư của Em.
Em là lý do mà Nam tái tạo thành phố.
Nam biết Em đã xung phong làm y tá, khi Trận Chiến bắt đầu khốc liệt. Hầu hết học trò của ngôi trường nơi Em dạy đã di tản. Có lẽ không còn gì vướng tay Em. Em còn cha mẹ hay không, không ai rõ. Người yêu của Em là lính hay dân, hay một gã đào ngũ? Một cô gái tuổi đôi mươi có thể mang theo gì, khi chính thành phố còn bị xóa tên?
Tập hồi ký của một bác sĩ quân y đã nhắc tới Em. Ông ta chắc chắn 100% Em chưa có người yêu, nói gì chồng con.
Bức thư của một thương binh cũng có nhắc về Em. Bức thư nằm trong bó hồ sơ lưu trữ may mắn được scan và số hóa bởi trung tâm của một đại học ở Texas. Thương binh này là một lính nhảy dù. Gương mặt đẹp của Em chính là thiên thần trong đêm của người lính. Anh ta đã trọng thương và ngất đi dưới chân tượng Chúa Ky tô Vua giữa khuôn viên Nhà thờ Bình Long, vào lúc hoàng hôn. Khi tỉnh lại, Em là người đầu tiên hiện ra. Màu áo trắng Em mặc đã khiến tay lính dù lóa mắt.
Thiên thần hiển lộ. Thiên thần trong đêm. Dưới chân tượng Chúa.
Nam tình cờ đọc được bức thư này. Sau đó, không ai biết thêm về người lính. Có thể đó là bức thư cuối cùng mà anh ta gửi đi. Nó không hề đề địa chỉ nhận. Có lẽ vì thế, bức thư đã chuyển thẳng vào kho lưu trữ, thay vì gia đình kẻ vô danh. Cũng y như cách lịch sử đã nhận giúp cái tên của thành phố – tỉnh lỵ năm xưa. Nếu ai muốn biết, chỉ còn cách tự lùng sục trong kho lưu trữ.
Nam là kẻ duy nhất hiểu rõ về thành phố để đi tìm tung tích của Em – thiên thần vô danh.
Chắc chắn là vậy. Vì không ai biết rõ tên Em.
Vị bác sĩ quân y cũng chỉ biết Em là một y tá đã tử thương trước khi Trận Chiến vào đợt thứ hai. Lúc đó, tiếng đại bác đã thay những liều giảm đau. Phi đạo bất khả dụng. Thành phố bị cô lập bằng đường bộ. Tải thương là chuyện lãng mạn. Mặt trận áp sát bệnh viện. Nhà tù tỉnh bị tràn ngập. Ty Chiêu hồi đổi chủ nhiều lần. Ngay cả việc chiến xa xuất hiện trước nhà thờ cũng không còn gì bất ngờ nữa.
Giữa giờ phút đó, Em đã chết lần thứ hai. Như cách nói của một kẻ đã chung số phận với thành phố hôm đó.
-*-
Mel nhìn ra hàng cây bên ngoài. Có quá nhiều thứ bất định. Nhưng Mel hiểu, ông phải có mặt ở đây. Thành phố cần ông. Những người như Nam cần ông. Mel thấy mình không chắc chắn về điều gì nữa. Khi người ta mất đi quá nhiều, việc băn khoăn tự vấn là hoàn toàn vô ích.
_ Tại sao anh chắc chắn là cô y tá chôn ở đó? Ở khoảnh đất trống sau Trung tâm tiếp liệu tỉnh?
Nam ngồi dậy, lật ra bản đồ. Nhưng anh không nhìn vào đó khi nói:
_ Dựa vào ghi ghép của vị bác sĩ quân y, rồi hồi ký của Đại tá Nhựt tỉnh trưởng. Và quan trọng nhất là câu chuyện của Đại tá Điềm, Phụ tá Hành quân của Sư đoàn. Chính ông lo việc chôn cất số tử thi. Khi hố chôn ban đầu đầy, ông Điềm quyết định chuyển sang khu Trung tâm tiếp liệu.
Nam nhìn Mel nhưng mắt anh như đang lần tìm về một chiều không gian khác, khi nói tiếp:
_ Đúng lúc đó, một loạt pháo xới tung lên bãi mộ tạm kế bên bệnh viện. Cô y tá vừa chôn hôm trước bị quật dậy. Đó là lời kể của vị bác sĩ quân y.
_ Thật kinh khủng.
Mel nhìn Nam khi nghĩ về thành phố. Thành phố của Mel là những mâu thuẫn khác. Đó là những thứ mà chỉ có Mel mới giải quyết nổi.
_ Vị bác sĩ không nói gì thêm. Nhưng tôi đã đối chiếu thời điểm đó với lúc đại tá Điềm thu lượm xác khắp tỉnh lỵ để chôn vào hố thứ hai. Hẳn là họ đã đưa xác cô y tá về Trung tâm tiếp liệu. Cho đến hôm nay, cả hai hố chôn tập thể đều chưa được tìm ra.
_ Xin lỗi khi hỏi, tại sao anh đặc biệt quan tâm đến cô ta vậy?
_ Khi tôi bị trọng thương, thiên thần áo trắng đã cứu sống tôi. Như thành phố đã luôn cứu rỗi tôi sau này. Lúc đó, cô ta có khuôn mặt của Đức Mẹ. Nhưng tôi muốn một lần thấy cô trong bộ đồ ngày thường. Khi áo trắng của cô không nhuốm màu đỏ của những kẻ lạc loài.
Nam nghĩ về những nơi Em và anh đáng lẽ sẽ đi. Lúc đó, thành phố không còn đất đỏ nữa. Thay vào đó là những con đường nhựa, những vỉa hè gạch. Thành phố cũng là những lối thông nhau, những con hẻm hun hút. Khi Em và anh đi vào, con hẻm sẽ tự chạy ngoằn nghèo để không đạn pháo nào đuổi kịp. Cả thành phố chuyển mình. Bản vẽ gốc tự tẩy xóa. Các con đường gãy đổ, bung toác. Các khu phố và kiến trúc giờ đây tán loạn, cho dù chưa có phát đại pháo nào rơi xuống. Ngay cả chiến xa hạng nặng ủi thẳng qua dãy nhà phố cũng không tìm nổi tung tích của Em và Nam. Vì Nam đã dắt Em đi sang một thành phố khác. Ở đó, cho dù bị bom và pháo xới tung, vẫn không ai chết hai lần.
Nam vẫn chưa kể gì thêm về Em. Anh sợ Mel nghĩ anh bị điên.
Nhưng Em đã kể cho Nam nhiều thứ. Giọng em êm như bầu sữa mẹ, khi Nam đang nằm đau đớn với vết thương:
_ Anh à, Đại lộ Hoàng Hôn buồn lắm. Hai bên vệ đường trồng cây thông thiên, loại cây lùm, lá dài nhỏ. Lũ con nít lấy hạt trái cây này phơi khô, xâu dây kẽm, làm cái song lan. Chúng lấy song lan chơi tuồng hát, giả bộ cỡi ngựa tung bụi khắp sân trường. Tới mùa nhìn thông thiên ra hoa vàng rất đẹp, em thấy bớt lạnh. Anh biết không, lúc nào em cũng thấy lạnh. Nhưng có lũ trẻ, em thấy ấm hơn khi thành phố vào mùa đông.
_ Cô y tá, ở đây chỉ là tỉnh lỵ thôi mà?
Nam thấy mình hỏi một câu vô duyên, trong khi Em đang băng bó cho anh. Chỉ là anh muốn Em biết mình đang lắng nghe từng chữ.
Tiếng pháo ù ù ngoài bệnh viện át đi giọng nói trong trẻo của thiên thần.
_ Em thích gọi là thành phố. Từ nhỏ tới lớn, em chưa bao giờ rời khỏi đây. Tuổi thơ em gắn liền với tỉnh lỵ nhỏ bé này.
Em tiếp tục kể về thành phố của em. Em kể về trường tiểu học, chợ cũ, bến xe. Nam đau quá ngất đi. Nhưng anh vẫn nghe không sót một chữ. Giọng nói Em như bài hát ru, khiến nỗi đau thể xác ngủ yên. Trận Chiến bên ngoài có cố lắm cũng chỉ là khúc nhạc nền.
_ Sau lễ sáng Chúa Nhật, mẹ hay dắt em ra bãi cỏ nhà thờ. Nhiều năm trước, em có chụp một tấm hình với ba dưới chân tượng Chúa Ky Tô Vua. Bức tượng to lớn lắm. Em chắc chắn ai thấy bức tượng đều nghĩ đó là một thành phố lớn. Nếu có gặp lại, em sẽ cho anh xem tấm hình. Sau tượng có một thánh giá bằng gỗ bị nghiêng. Năm ngoái họ định xây cung thánh và bàn thờ mới chỗ đó. Rồi Trận Chiến xảy ra. Em chỉ mong chiến tranh qua nhanh. Bọn học trò chưa kịp kết thúc năm học. Cuối tháng Tư đáng lẽ có trận banh giữa trường em và Trường Tiểu học Thượng. Bên đó có bãi đất rộng, làm chỗ chơi banh. Phía bên trái sân banh là vườn xoài và cà phê do bác Giao bảo vệ trường chăm coi. Lúc nhỏ em hay vào đây ngắm xoài. Trường Tiểu học Thượng lúc đó còn lợp mái bằng cỏ tranh. Từ phía vườn xoài nhìn sang, màu cỏ tranh hợp với màu đất mới u buồn làm sao. Nhưng có lẽ em đã quen với cái buồn của thành phố từ nhỏ. Thành phố thì phải buồn mới đặc biệt, chứ tỉnh lỵ buồn thì bình thường quá. Nếu có dịp, em sẽ dắt anh đi dạo trên Đại lộ Hoàng Hôn, vào lúc sẫm tối. Anh sẽ thấy một việc rất lạ.
Nam cố hít sâu để nói thành tiếng:
_ Sẽ thấy gì?
_ Lúc đó, đi từ hướng dốc Quản Lợi về phía nhà thờ Bình Long, nhưng không được rời mắt khỏi tượng Ky Tô Vua, anh sẽ thấy. Anh và em sẽ bay lên. Vẫn tiếp tục đi, nhưng bay lên. Bay như lướt đi trên mặt nước vậy đó. Không ai thấy hai tụi mình nữa. Đó là bí mật của thành phố. Chỉ có em biết mà thôi.
Nam nghe tiếng pháo đề pa từ xa, xen lẫn với tiếng trực thăng Cobra, rồi tiếng không pháo nện từ Spectre, và từ xa là âm thanh của một phản lực không yểm chiến thuật nào đó. Tường bệnh viện rung lên từng hồi mỗi khi thành phố nhận đạn pháo và bom. Nhưng Nam đang bay. Và Em đang nắm tay anh. Cho dù Sư đoàn có đốt hỏa châu đầy trời, cũng không ai thấy Em và Nam nữa.
Em chỉ là của riêng Nam theo cách đó. Vì nếu anh kể ra những điều này, Mel sẽ cho là anh bị điên.
-*-
Mel thả bộ trên hành lang. Đó là viện xá của một tổ chức tôn giáo. Hành lang hẹp, nhưng độ cao của mái vòm và lan can kiểu cổ điển thuộc địa làm ông cảm thấy mọi thứ thật to lớn. Tự dưng hôm nay hành lang dài hơn bình thường. Mel có cảm giác sâu hun hút. Phía xa, chếch bên trái, bức tượng Đức Mẹ giữa khuôn viên đứng giữa trưa nắng.
Một nữ y tá tiến lại, trao đổi gì đó. Mel nói:
_ Vậy là khá hơn tháng trước rồi, phải không Sơ?
_ Đúng vậy. Nhưng thỉnh thoảng anh ta vẫn lên cơn. Lúc đó chúng tôi phải dùng thuốc.
Mel từ tốn kể lại câu chuyện hôm trước, mà Nam đã kể cho ông. Nữ y tá gật gù:
_ Được lắng nghe là một bước rất quan trọng trong liệu trình. Cám ơn ông vì đã hỗ trợ rất nhiều cho Nam.
_ Tôi luôn sẵn lòng, thưa Sơ. Nhưng Nam không như những bệnh nhân khác. Có gì rất đặc biệt. Anh ta nói về thành phố rất rành rẽ. Đây, Sơ nhìn xem. Trên tấm bản đồ này, anh ta ghi chú rõ từng con đường, tòa nhà, chợ cũ, chợ mới, bến xe, vân vân. Ngay cả những nhân vật, sự kiện mà anh ta kể cũng như có thật vậy.
Mel cho nữ y tá xem qua bức bản đồ năm 1967 của thành phố. Bà ta lấy mắt kiếng để nhìn cho rõ.
_ Anh ta đã tìm ra địa điểm nơi tôi từng có mặt. Thật bất ngờ. Vì tôi không nghĩ có ai rành về thành phố như thế. Hơn nữa, gần đây tôi thử tìm đọc hồi ký của những sĩ quan còn sống sau Trận Chiến. Đúng là họ có nói những điều Nam nhắc. Nhưng quái lạ là tôi không rõ Nam đọc từ khi nào. Ai cũng thấy anh ta chỉ nằm trong bốn bức tường như thế này, trong nhiều năm.
Nữ y tá sau khi cố gắng đọc những ghi chú li ti trên tấm bản đồ, đã bỏ cuộc. Bà nhìn Mel, nói chậm rãi:
_ Có thể Nam đọc từ trước khi bị đột quỵ vùng đồi thị. Ông biết đó, những chi tiết hằn sâu vào não, kết hợp với sự hoang tưởng sau khi não bị tổn thương hậu đột quỵ, khiến người ta có thể nói rất rành rẽ về một chủ đề nào đó.
_ Nhưng tôi chưa thấy ai nói về cái gì đó một cách tỉnh táo như Nam. Tôi không hề nghĩ anh ấy là bệnh nhân tâm thần.
_ Ở đây chúng ta không gọi như vậy, Mel à. Ông biết mà. Tất cả là khách nghỉ dưỡng.
_ Tôi hiểu rồi, thưa Sơ. Mai tôi sẽ tiếp tục đến để lắng nghe Nam.
_ Thực sự viện xá rất biết ơn ông. Bao nhiêu năm qua, ông đã giúp đỡ và hỗ trợ chúng tôi hết mình. Ông là niềm tự hào của chúng tôi, Mel à.
Nữ y tá nói chậm, nhìn Mel trìu mến như với một đứa trẻ.
Mel nhìn Sơ gật đầu. Không cần phải nói nhiều. Dù thế nào, Mel vẫn tiếp tục giúp đỡ những bệnh nhân tâm thần ở đây. Ông bỏ ra hàng giờ mỗi ngày để lắng nghe họ tâm sự, kể chuyện. Ai cũng có gì đó để kể, và những mâu thuẫn cần thổ lộ. Nhưng chỉ với Nam, Mel mới thấy điều đặc biệt. Nam giao nhau với Mel ở thành phố. Thành phố không còn nữa, nhưng sự hoang phế và đổ nát của vùng chiến địa đầy tử khí đã khiến cả hai phải quay lại, rồi quay về lần nữa, lần nữa.
Mel bỗng sực nhớ về cô gái:
_ Nhưng Nam vừa kể về cô y tá. Chắc bà còn nhớ chuyện này?
_ Thật sao? Lại nữa à. Mỗi khi anh ta kể về cô y tá, cái cô bị pháo quật mộ lên đúng không, thì thế nào cũng lại sắp lên cơn nặng.
_ Nghiêm trọng vậy à, thưa Sơ?
Nét mặt nữ y tá – Sơ – bỗng dưng trầm ngâm, như lo lắng gì đó. Rồi bà nói mà không nhìn Mel, như đang tự nhủ:
_ Thật khốn khổ. Trước đây có một cô y tá trẻ, chuyên chăm sóc cận kề Nam. Gần gũi đến nỗi nhiều người nghi ngờ cô ta có tình cảm với bệnh nhân. Vào lúc hoàng hôn, cô ta hay dắt Nam đi bộ ở hành lang này, hướng về phía tượng Đức Mẹ. Rồi cô ta bị trọng bệnh, chuyển đi đâu mất. Từ ngày đó, Nam như chuyển biến nặng hơn. Vào buổi chiều tối, anh ta hay lẻn ra đây, đi bộ một mình trên hành lang viện xá.
Lúc đó, Mel bỗng dưng hình dung ra khung cảnh u tối của thành phố. Mel thấy Nam đang đi trên con đường vắng. Cô y tá đi cạnh bên, mặc bồ đồ trắng bị vấy bẩn. Nhưng trong ánh sáng nhá nhem của buổi hoàng hôn, Mel không thể nhận ra liệu vết bẩn ám đi màu trắng có màu máu hay màu đất đỏ. Mel cố gắng gọi Nam, hy vọng anh thức tỉnh khỏi cơn mê. Nhưng càng gọi, Nam càng đi nhanh. Rồi cả Nam và cô y tá bỗng nắm tay nhau lướt đi như bay. Trên con đường tối, các bụi lá thông thiên và nhà cửa lúp xúp hai bên như tránh đường cho cặp đôi.
Thình lình, Mel thấy mình cô độc giữa thành phố. Phía trước ông là cây xăng Shell, biển hiệu rỉ sét. Ở xa xa trong bóng tối là bức tượng Chúa cao lớn giữa bãi cỏ. Mel thấy đó là thành phố – thị trấn tuổi thơ của ông ở Montana. Những căn nhà khuất sau tàn cây, ẩn sau con dốc của vùng đồi. Mặt đất ẩm ướt sau khi tuyết tan.
Nhưng nếu Nam có mệnh hệ gì, chỉ còn Mel biết địa điểm hố chôn tập thể. Mel thấy mình giữ chặt tấm bản đồ trong tay. Đối diện Bệnh viện tỉnh là trường Trung học Bình Long. Đó là hố chôn thứ nhất. Từ bệnh viện quẹo phải về hướng Vận động trường Nguyễn Huệ, băng qua khu cư xá. Trung tâm tiếp liệu tỉnh, là nơi có hố chôn thứ hai. Mel hầu như đã thuộc lòng, sau khi nghe Nam kể nhiều lần.
Người nữ y tá vừa nói hết, chuẩn bị rời đi. Bà ta ôm lấy Mel, rồi nhìn Mel trìu mến, như với một đứa trẻ. Viện xá quen thuộc quá. Mel nhớ lại hết những gì mình đã đánh mất và chịu đựng. Tất cả còn lại chỉ là một thành phố tự tạo. Thành phố đó cũng chính là thành phố của Nam, và những người như Nam. Cho dù ai nói gì, đối với Mel, Nam luôn là một người trẻ. Cho dù Trận Chiến đã xảy ra năm mươi năm trước, Nam vẫn trẻ, như cô y tá từng trẻ như ngôi trường mới xây. Trận Chiến đã san phẳng thành phố gốc, nhưng không thể phá hủy cư dân của nó. Mel và Nam vẫn sống.
Ngày mai, Mel sẽ quay lại, tiếp tục lắng nghe Nam kể về thành phố, và những hố chôn.
Nữ y tá, bà Sơ, chậm rãi nói như sợ Mel không nghe rõ:
_ Ông là niềm tự hào của chúng tôi, Mel à. Tôi nghe nói, ngày kia con trai ông sẽ đến thăm.
LKV
tháng 7 – 2022