Prisoners of Geography – Tim Marshall

Những tù nhân của địa lý là cuốn sách đáng chú ý được xuất bản ở Việt Nam gần đây. Bên dưới là bài điểm sách (chưa gọt) đã đăng trên Tuổi Trẻ vào cuối tháng 1. Tiếp theo là phần bổ sung đã đăng trên mạng xã hội sau đó. Tất cả hình: Hoàng Ngọc Diệu.

-*-

1.

Kênh đào, eo biển, cảng nước ấm, vùng đệm và Những tù nhân của địa lý

Lê Việt

Kênh đào Kra mà Thái Lan ấp ủ kế hoạch hơn một thập kỷ qua có thể thay đổi vị thế của Phú Quốc và nhiều hải cảng của Việt Nam như thế nào, cũng như những kênh đào, eo biển, dãy núi, sông ngòi, vùng đệm khác ảnh hưởng đến địa chính trị thế khu vực và thế giới ra sao? Độc giả có thể rút ra những kiến giải lý thú về những điều này sau khi đọc Những tù nhân của địa lý.

Cuốn sách Những tù nhân của địa lý của Tim Marshall được dịch và xuất bản gần đây cho độc giả một cái nhìn mới về câu chuyện địa chính trị. Tim Marshall cho rằng yếu tố địa lý quyết định chính sách chính trị. Những dãy núi, con sông, bình nguyên, sa mạc giới hạn những lựa chọn chính sách của lãnh đạo nhiều quốc gia. Từ đó, họ trở thành những “tù nhân của địa lý”.

Về địa chính trị, thông tin có tính thời sự cao. Tác giả đã bổ sung nhiều chi tiết vào phiên bản đầu tiên in ở Anh năm 2015. Nhưng quãng thời gian hơn bốn năm từ khi phiên bản mới nhất xuất bản ở Mỹ vào tháng Mười năm 2016 đến nay vẫn là một khoảng trống lớn. Thật ngạc nhiên, điều đó không hề làm giảm giá trị cuốn sách.

Nhiệm kỳ tổng thống đầy biến động của Donald Trump vừa kết thúc ở Mỹ. Trong bốn năm đó, nhiều sự kiện đã xảy ra nhưng vẫn không làm thay đổi nhiều bức tranh địa chính trị mà Tim Marshall đã phác họa trong tương quan đối ngoại giữa Mỹ và thế giới.

Trong những năm gần đây, với Trung Quốc, sáng kiến Con đường tơ lụa mới, cuộc chiến thương mại đang tiếp diễn, và sự trỗi dậy về công nghệ của họ vẫn chưa làm giảm sút vị thế siêu cường số một của Mỹ. Quan trọng nhất, sự thiếu vắng một lực lượng hải quân mạnh mẽ và hiện đại vẫn là vấn đề kềm hãm vị thế của Trung Quốc như cách đây hơn bốn năm.

Khu vực nhiều biến động nhất vẫn là Trung Đông. Thổ Nhĩ Kỳ vẫn kiên trì theo đuổi giấc mơ gia nhập Liên minh Châu Âu mà không đạt được tiến triển gì. Nhiều sự kiện bước ngoặt diễn ra ở Israel và Iran, như việc lần đầu Mỹ đặt Tòa Đại sứ ở Jerusalem, và đòn trừng phạt chết chóc của Mỹ với lãnh đạo Iran. Hiệp định nguyên tử giữa Iran và sáu cường quốc có được chính quyền Biden tái ủng hộ sau khi bị chính quyền Trump rút khỏi hay không? Mọi việc chưa ngã ngũ. Tuy vậy, có thể nói mạch ngầm biến động của khu vực này vẫn chưa chuyển mình. Các bên vẫn giữ vị thế gườm nhau như nhiều thập niên gần đây.  

Nước Anh sau hơn bốn năm tranh cãi, cuối cùng đã quyết định thoát khỏi Liên minh Châu Âu. Nước Đức vẫn giữ thế trung dung vì sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng từ Nga. Còn nước Nga sau khi xâm chiếm Crimea, sức ảnh hưởng địa chính trị của họ vẫn không tăng lên, khi hạm đội Nga vẫn bị cô lập trong Biển Đen, vì cửa ra Địa Trung Hải vẫn bị Thổ Nhĩ Kỳ và Tây Âu kiểm soát. Vị thế của Nga vẫn bị kềm hãm khi tiếp tục thiếu vắng một cảng nước ấm để làm căn cứ cho những hạm đội của họ.

Ngoài việc sách vẫn còn nguyên ý nghĩa địa chính trị sau hơn bốn năm, Những tù nhân của địa lý có thể giúp người đọc rút ra những kiến giải sau đây.

Thứ nhất, giao thông trên biển vẫn đóng vai trò quan trọng với thương mại và địa chính trị của thế giới hôm nay. Bằng việc kiểm soát những hải đạo huyết mạch như Kênh đào Suez ở Ai Cập, Eo biển Hormuz vào Vịnh Ba Tư, Eo biển Bosphorus qua Thổ Nhĩ Kỳ, Eo biển Malacca qua Malaysia, Singapore, và Indonesia, những thế lực chính trị có thể kiểm soát kinh tế khu vực, thay đổi chính sách ngoại giao của nhiều quốc gia. Đối với Việt Nam, Kênh đào Kra tương lai phía Nam Thái Lan hứa hẹn thay đổi vị thế của Phú Quốc và những cảng biển khác, khi tàu thuyền từ phía Bắc không phải đi qua eo Malacca để ra Ấn Độ Dương.

Thứ hai, vấn đề di dân tự nhiên thực sự là một công cụ hiệu quả và nguy hiểm của những quốc gia có tham vọng bành trướng về lãnh thổ. Lịch sử đã cho thấy như thế. Gần đây, Nga đã lợi dụng cộng đồng dân cư gốc Nga sống đông đảo ở Crimea và vùng lân cận bên kia biên giới để gây áp lực về lãnh thổ với những nước láng giềng. Tương tự, đó là những gì mà Trung Quốc đang làm với Nga ở khu Siberia. Vào thế kỷ trước, Mỹ đã khuyến khích dân khai phá định cư trên đất của Mexico (bang Texas hiện nay) và sau đó nhân danh việc bảo vệ quyền lợi của nhóm người này để dùng vũ lực sáp nhập luôn phần đất này vào phía Tây nước Mỹ.

Thứ ba, vùng đệm là yếu tố quyết định chính sách đối ngoại của nhiều cường quốc. Từ thời cổ đại, hai đế quốc La Mã và Ba Tư tuy đối đầu nhau nhưng vẫn tồn tại song song qua nhiều thế kỷ, vì chính giữa họ tồn tại một vùng đệm rộng lớn. Iraq là vùng đệm giữa hai thế lực Iran và Arab Saudi. Ukraine và Ba Lan là vùng đệm ngăn ngõ tiến công của các nước Tây Âu vào Nga. Tân Cương và Tây Tạng là những vùng đệm quan trọng ở phía tây và tây bắc của Trung Quốc. Chính ở những quốc gia vùng đệm này, tranh chấp và mâu thuẫn giữa các cường quốc sẽ luôn diễn ra. Điều đó quyết định chính sách tiếp cận về quân sự, ngoại giao, và kinh tế của các cường quốc. Sách do Nhã Nam liên kết với Nhà xuất bản Hội Nhà Văn phát hành cuối tháng 11 năm 2020.

2.

Cuốn Những tù nhân địa lý của Tim Marshall mình đã đọc bản gốc, nhưng vẫn mua bản tiếng Việt. Bìa màu tươi, tuy bìa cứng nhưng nhẹ và khổ vừa tay, có thể nằm hay ngồi dựa mà đọc thoải mái.

Mình thấy cần phải nói thêm về cuốn sách này, bên cạnh nội dung bài báo hôm qua.

Tim Marshall là một nhà báo, không phải dân nghiên cứu chuyên sâu về địa chính trị. Nhưng những gì ông viết mang tính giới thiệu và gợi mở.

Điều đáng chú ý nhất mà người đọc rút ra từ Tim Marshall đó là sự liên quan đáng sợ giữa di dân tự nhiên và bành trướng lãnh thổ. Lịch sử đã có nhiều ví dụ.

Đầu tiên, nếu đọc lịch sử Mỹ ai cũng biết câu chuyện Mỹ biến Texas từ đất của Mexico thành tiểu bang thứ 28 của Hợp chủng quốc vào năm 1845. Đáng chú ý, vài chục năm trước đó, dân Mỹ theo trào lưu khai phá miền Viễn Tây đã vượt biên sang định cư trên đất Texas của Mexico. Điểm thu hút họ là chính sách cấp đất đai hào phóng của Mexico, nơi một gia đình có thể sở hữu diện tích gấp vài chục lần ở Mỹ. Dần dần, người Mỹ sang định cư càng ngày càng đông và tạo thành cộng đồng, khu tự trị. Suốt một thập kỷ trước khi tranh chấp giữa hai nước xảy ra, cộng đồng Mỹ sống trên đất Texas có nhiều mâu thuẫn với chính quyền Mexico vì những khác biệt về văn hóa. Xung đột xảy ra. Mỹ đem quân hậu thuẫn dân mình. Kết quả là Texas Mexico trở thành Cộng hòa Texas, tách ra khỏi Mexico, và sau đó sáp nhập vào Mỹ.

Câu chuyện diễn ra tương tự ở Nga. Chỉ khác một chút, Stalin chủ động đưa dân Nga định cư ở những vùng thuộc các nước chư hầu trong Liên bang Sô viết ở vùng Balkan và phía bắc Biển Đen. Đến năm 2014, viện cớ bảo vệ an toàn cho cộng đồng nói tiếng Nga trong khu vực, Nga xâm chiếm Crimea.

Trung Quốc cũng làm điều tương tự, nhưng ở vùng Siberia phía đông nam Nga. Theo Tim Marshall, cộng đồng người Hoa sống trong vùng này là khá đông. Đương nhiên, Trung Quốc chưa dám có động thái gì với Nga vì xét về quân sự Nga vẫn mạnh hơn. Nhưng cộng đồng người Hoa ở vùng Siberia chắc chắn sẽ là nguồn cơn của một cuộc tranh chấp đang trong trạng thái chờ.

Đến đây ta thấy: dân ở đâu, chủ quyền ở đấy. Tất nhiên, việc có biến dân trở thành chủ quyền hay không sẽ tùy thuộc vào sức mạnh của quốc gia đó.

Nhưng không chỉ có dân định cư lâu trở thành cộng đồng, những cộng đồng này cần có một yếu tố gì đó. Những ví dụ sau là mình suy đoán dựa trên lịch sử.

Ngược về giai đoạn sau Thế chiến thứ II, tại sao Isreal lại chiếm đất và lập quốc thần tốc như thế? Một trong những nguyên nhân chính là dân Do Thái đã sinh sống rải rác trong vùng từ trước. Tất nhiên nhiều dân Do Thái từ khắp nơi đã quay về vùng đất hứa sau Thế chiến, nhưng những cộng đồng Do Thái đã tồn tại trong vùng từ hàng ngàn năm trước.

Cùng một khu vực, tại sao dân Palestine, cho dù có sự hậu thuẫn (bề ngoài) của thế giới Ả Rập lại dần chìm vào quên lãng? Lý do dễ thấy nhất là dân Palestine tuy cũng sinh sống trong vùng nhưng không tách biệt thành một cộng đồng riêng, mà sống lẫn lộn và không khác biệt với dân Ả Rập vì cùng tôn giáo.

Sự khác biệt mà ta thấy ở đây, đó là cộng đồng dân phải có sự độc lập, khác biệt, và tách biệt ra khỏi những sắc dân sống chung hoặc chung quanh. Đó sẽ là tiền đề cho quá trình biến vùng dân định cư trở thành chủ quyền.

Tiếp tục ngược dòng lịch sử để xem một ví dụ khác. Có lẽ ít ai quan tâm đến đất nước và con người Armenia. Nhưng nếu đọc lịch sử Thập tự chinh, ta sẽ thấy vai trò không nhỏ của dân tộc Armenia. Bị người Thổ Seljuk đánh bại sau khi đế quốc Byzantine mất Tiểu Á (Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay) về tay thế giới Hồi giáo vào giữa thời trung đại, người Armenia từ bỏ vùng đất sát biển Địa Trung Hải, phía nam bán đảo Tiểu Á để rút lên núi và dần chạy lên phía bắc. Hãy nhìn vị trí của đất nước Armenia hiện nay. Nó nằm tận phía bắc gần Biển Đen. Như vậy, sự tồn tại của cộng đồng người Armenia đã dẫn tới chủ quyền vùng đất họ sinh sống.

Điều gì đã khiến cộng đồng ít ỏi dân Armenia vẫn tồn tại và không bị đồng hóa hay hòa tan? Ngoài yếu tố may mắn, có lẽ cần biết dân Amernia là những những người biến Ki-tô giáo thành quốc giáo đầu tiên, từ hơn một ngàn năm trước. Đó là điểm khiến họ khác biệt và tách rời so với biển người Hồi giáo chung quanh. Cho đến hôm nay, quốc giáo của Armenia vẫn là Ki-tô giáo theo hướng Chính thống giáo từ Byzantine.

Như vậy, cộng đồng dân cư của một nước nào đó sinh sống trên đất của nước khác quá đông và trở nên tách biệt, độc lập với sắc dân chung quanh, thì cộng đồng đó chắc chắn sẽ trở thành một nguyên cớ, một đầu cầu, cho sự bành trướng về chủ quyền trong tương lai. Nếu đó là dân của một cường quốc, rủi ro cho nước láng giềng càng cao và nguy hiểm hơn.

LV

Published by LKV

Reader. Slacker.

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

%d bloggers like this: